Quý I chốt đúng đáy, tự doanh công ty chứng khoán “lãnh đủ”
Nếu như HSC, Bản Việt, VPS… tận dụng được nhịp đập thị trường, gặt hái quả ngọt thì nhiều công ty chứng khoán khác đang phải ghi nhận lỗ do có mảng tự doanh lớn, tài sản tài chính chịu sự đánh giá lại đúng thời điểm VN-Index về đáy. Bức tranh kinh doanh của khối này dần lộ diện, với kết quả phân hóa khá mạnh.
Quý I/2020, HSC, Bản Việt, VPS lãi tốt
Kết thúc quý I/2020, VN-Index ở mức 662,53 điểm, giảm 31,1% so với quý IV/2019 và giảm so với đỉnh 1028,97 của năm 2019 tương ứng 35,6%. Khối lượng giao dịch quý I đạt 10.808.235.008 cổ phiếu, giảm nhẹ 1,55% so với quý IV/2019.
Với việc thị trường giảm sâu, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) vội cắt lỗ ngay trong quý I. Với CTCK vẫn giữ nguyên danh mục, đang tạm thời phải ghi nhận lỗ tự doanh trên báo cáo khi phải đánh giá lại tài sản tài chính theo giá thị trường tại thời điểm chốt sổ 31/3/2020 - đúng đáy của thị trường.
Trong gam màu sáng, CTCK HSC đang ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu thuần 304 tỷ đồng, tăng 13,6%, trong khi chi phí chỉ tăng 7,6%, đã giúp lợi nhuận sau thuế quý I/2020 tăng trưởng 23%, đạt 101 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng đến chủ yếu từ mảng cho vay ký quỹ và tự doanh, còn mảng môi giới giảm nhẹ và mảng tư vấn tài chính đóng góp không đáng kể, do tính chất thời điểm của hoạt động ghi nhận doanh thu.
Cụ thể, doanh thu từ cho vay ký quỹ của HSC đạt 116 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và chiếm 38% tổng doanh thu HSC. Mảng tự doanh đạt 76 tỷ đồng, tăng 56% so với quý I/2019, đến từ việc hiện thực hóa danh mục cổ phiếu nắm giữ từ cuối năm 2019 và thu nhập bù đắp từ hoạt động phòng vệ trên thị trường phái sinh.
CTCK Bản Việt cũng có kết quả tích cực khi đạt 380 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2020, tăng 3% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế quý I của Bản Việt đạt 89,7 tỷ đồng, do ghi giảm chênh lệnh tăng về đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL và ghi tăng chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL (tổng cộng 236 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế đạt 118,6 tỷ đồng trong quý I/2020, cao hơn lợi nhuận trước thuế do được hoàn nhập số thuế thu nhập hoãn lại.
Với CTCK VPBank (VPS), doanh thu hoạt động gần 859 tỷ đồng, tăng gần 51% so với cùng kỳ khi các mảng kinh doanh cốt lõi đều ghi nhận sự tăng trưởng.
Tăng mạnh nhất là doanh thu môi giới 108%, đạt 93 tỷ đồng, lãi từ bán tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ tăng 45%, đạt 563 tỷ đồng. Mảng cho vay và phải thu ghi nhận đạt 62,8 tỷ đồng, tăng 32,8%.
Những cái tên báo lỗ
Chiều ngược lại, quý I/2020, CTCK FPT (FTS) báo lỗ gần 87,5 tỷ đồng, chủ yếu do đánh giá lại tài sản tài chính.
Theo FTS, lợi nhuận sau thuế chưa thực hiện quý I/2020 là âm 136 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 65 tỷ đồng, do đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL giảm 200 tỷ đồng (chủ yếu từ đánh giá lại mã MSH).
Tại CTCK Bảo Việt, lần đầu tiên từ năm 2012 đến nay có một quý ghi nhận lỗ 22,7 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ giảm 20%, đạt 89,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính đến từ chênh lệch đánh giá tài sản tài chính, giảm 16,1 tỷ đồng, tương ứng giảm 75,3% so với cùng kỳ. Ðồng thời, chi phí hoạt động tăng 49% và chênh lệch đánh giá giảm các tài sản tài chính FVTPL là 32,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, tự doanh của BVSC đã cắt lỗ ở nhiều cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, lỗ bán chứng khoán trong kỳ hơn 17 tỷ đồng.
Cụ thể, BVSC đã bán 1 triệu cổ phiếu CTG, ghi nhận lỗ 2,1 tỷ đồng; bán hơn 1 triệu cổ phiếu MBB, lỗ hơn 2,97 tỷ đồng và các cổ phiếu niêm yết khác lỗ hơn 5 tỷ đồng.
Ðồng thời, BVSC cũng thực hiện bán hơn 6 triệu chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị bán hơn 74 tỷ đồng, ghi nhận lỗ 6,89 tỷ đồng.
CTCK Everest (EVS) cũng ghi nhận lỗ 11 tỷ đồng trong quý I, trong khi doanh thu 90 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Nguyên nhân chính là sự đột biến của khoản lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ trong kỳ 72,8 tỷ đồng, gấp 9,4 lần quý I/2019, đã kéo chi phí hoạt động Công ty tăng vọt.
Trong đó, lỗ bán các tài sản tài chính gần 40 tỷ đồng và chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL 33 tỷ đồng.
Trong kỳ, EVS thực hiện cắt lỗ ở nhiều cổ phiếu, lớn nhất là khoản lỗ 23,5 tỷ đồng ở cổ phiếu GEX; lỗ 9 tỷ đồng khi bán ra hơn 1 triệu cổ phiếu MSN và lỗ 5,1 tỷ đồng khi bán hơn 360.000 cổ phiếu VNM.
Ngược lại, tự doanh EVS ghi nhận lãi gần 16 tỷ đồng khi bán CAV và hơn 11,3 tỷ đồng cổ phiếu TBD.
CTCK ART báo lỗ quý I/2020 là 38 tỷ đồng, đáng chú ý với mảng tự doanh cắt lỗ lên đến 110 tỷ đồng. Cụ thể, quý I, ART lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 72 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản thu này ghi nhận không đáng kể.
Nhưng ART cũng có khoản lỗ tài sản tài chính ghi nhận qua lỗ (FVTPL) hơn 135,6 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ. Trong đó, Công ty lỗ gần 110 tỷ đồng khi bán 8,45 triệu cổ phiếu ROS ở mức giá gần 9.700 đồng/cổ phiếu.
Danh mục tự doanh của ART có sự đóng góp của nhiều cổ phiếu họ FLC như FLC, HAI, GAB, KLF và hai mã cổ phiếu chưa niêm yết là BAV (Bamboo Airways) và FHH (FLCHomes).
Về dòng tiền cho vay, một số công ty không có biến động mạnh. Chẳng hạn, ở BVSC, margin quý I/2020 tương đương cùng kỳ, với dư nợ là 1.271 tỷ đồng.
Tại CTCK Mirae Asset, con số này là hơn 6.836 tỷ đồng, giảm chưa đến 200 tỷ đồng so với số đầu kỳ. Tương tự, tại Rồng Việt, dư nợ margin giảm nhẹ, ở mức hơn 1.273 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở VPS, dư nợ cho vay ghi nhận 1.420 tỷ đồng vào cuối quý I/2020, giảm 951 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng giảm 40%. Còn tại EVS có dư nợ margin 486 tỷ đồng, giảm khoảng 29%.
Nhiều CTCK đặt kế hoạch kinh doanh tích cực
Báo cáo thường niên công bố ngày 20/4/2020 của BVSC cho biết, năm 2020, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 533 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng, giảm nhẹ về doanh thu nhưng tăng nhẹ về lợi nhuận so với thực hiện năm 2019.
Kế hoạch được đặt ra với dự báo về điều kiện thị trường là VN-Index trung bình quanh mức 990 - 1.040 điểm. Giá trị giao dịch trung bình phiên đạt khoảng 5.400 tỷ đồng/phiên. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên mức 1.083 tỷ đồng.
BVSC cũng cho biết, kế hoạch này có thể được điều chỉnh để theo sát tình hình thực tế tăng trưởng nền kinh tế và TTCK, do năm nay phải chịu thêm những tác động của dịch Covid-19.
Với CTCK Rồng Việt, năm 2020 sẽ không tăng vốn và đặt kế hoạch doanh thu tối thiểu 313 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 45 tỷ đồng. Trong đó, với hoạt động dịch vụ chứng khoán, dư nợ margin và ứng trước dự kiến đạt 1.600 - 1.800 tỷ đồng. Nhu cầu vốn vay cho hoạt động tài trợ và tự doanh của Công ty ước tính 800 - 850 tỷ đồng, lãi suất đầu vào bình quân khoảng 9%.
Ở mảng môi giới, Rồng Việt dự kiến thanh khoản của thị trường khoảng 5.000 tỷ đồng/phiên, Công ty đặt mục tiêu thị phần đạt 1,7% - 1,8% toàn thị trường.
Ông Nguyễn Chí Trung, Phó tổng giám đốc Rồng Việt nhìn nhận, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới năm 2020 có nhiều thách thức, ít nhất trong 6 tháng đầu năm.
“Chúng ta không biết chắc TTCK còn rớt bao nhiêu điểm, bao lâu nữa”, ông Trung chia sẻ, nhưng cho rằng, cũng có những điểm thuận lợi, đó là thanh khoản đang cải thiện dần qua từng tháng.
Nếu duy trì đà tăng thanh khoản thì hoạt động kinh doanh môi giới cũng có lợi về doanh thu phí. Ngoài ra, sự sụt giảm đáng kể của TTCK do ảnh hưởng bởi nỗi lo dịch bệnh mở ra cơ hội đầu tư mà nhiều năm mới quay lại cho các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường. Thực tế là nhiều nhà đầu tư mới đã và đang tham gia thị trường.
Một số CTCK khác chưa công bố kết quả quý I, nhưng đã chia sẻ kế hoạch cả năm 2020. CTCK KB Việt Nam (KBSV) đặt kế hoạch 675 tỷ đồng doanh thu và hơn 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng lần lượt gần 42% và 38%.
Với CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), kế hoạch cho năm 2020 là 950 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng dựa trên giả định tình hình kinh tế, vĩ mô: bất ổn trong 6 tháng đầu năm và ổn định dần trở lại trong 6 tháng cuối năm. Công ty này cũng giả giá trị giao dịch TTCK đạt 5.100 tỷ đồng/phiên.
Mục tiêu của SHS trong năm nay là lấy lại thị phần trong Top 5 thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết lớn nhất trên cả hai sàn HNX, HOSE.