“Tiếp sức" cho thị trường chứng khoán vượt khó
Theo Yuanta Việt Nam, hiện Nhà nước sở hữu khoảng 35,3% tổng giá trị vốn hóa các doanh nghiệp trên sàn. Việc thoái vốn sẽ giúp gia tăng thanh khoản và hỗ trợ TTCK trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tính tới ngày 16/4/2020, nhà nước đã thực hiện thoái vốn hơn 400 tỷ đồng tại 8 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thu về 962,65 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm, việc thoái vốn thu về hơn 700 tỷ đồng.
Trong khi đó, còn hơn 1.260 tỷ đồng giá trị DNNN dự tính thoái vốn từ đầu năm tới nay chưa được thực hiện. So với tình hình thoái vốn quý 1/2019 thì quý 1/2020 thực hiện khá chậm với số doanh nghiệp thoái vốn chỉ bằng 67%, giá trị thu về chỉ bằng 32% so với cùng kỳ. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong thời gian qua có thể đã làm chậm quá trình, thủ tục thoái vốn nhà nước tại các DNNN.
Theo Quyết định số 1232/2017/QĐ-TTg về việc thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017- 2020, có 28 doanh nghiệp phải thực hiện kế hoạch thoái vốn Nhà nước năm 2020, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực hiện.
Về kế hoạch thoái vốn một số đơn vị nhà nước, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam thống kê được tới thời điểm hiện tại có hơn 115 doanh nghiệp (chưa tính các doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn theo kế hoạch từ các năm trước) Nhà nước có kế hoạch thoái vốn trong năm 2020, nhưng mới thực hiện thoái vốn tại 8 doanh nghiệp.
Cụ thể, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) có kế hoạch thoái vốn tại 13 doanh nghiệp và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn tại 85 doanh nghiệp trong năm 2020.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu và phân tích của Yuanta Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp đã niêm yết thuộc sở hữu nhà nước và đang có kế hoạch thoái vốn trong năm nay, có chất lượng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp chưa được tốt. Các doanh nghiệp, như Vinalines... có kế hoạch thoái vốn Nhà nước, nhưng chỉ có thị giá vài nghìn đồng, thì khó có khả năng tìm kiếm được nhà đầu tư mua lại với giá cao. Trong những năm trước, nhiều trường hợp không thực hiện được thoái vốn Nhà nước là do không có nhà đầu tư tham gia vì giá đưa ra cao hoặc nhà đầu tư không quan tâm tới doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Top 10 doanh nghiệp SCIC dự kiến thoái vốn năm 2020 sẽ thu về khoảng 14.000 tỷ VND. Mặc dù hai khoản đầu tư lớn nhất vào Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam trị giá lần lượt khoảng 6.373 tỷ đồng và 2.650 tỷ đồng, nhưng khoản giá trị thu về ước tính theo giá thị trường hiện tại tương ứng chỉ vào khoảng 3.888 tỷ đồng và 2.200 tỷ đồng.
Với khó khăn kinh tế chung, đặc biệt với những doanh nghiệp chưa niêm yết, thông tin hay hoạt động quan hệ nhà đầu tư không được cập nhật thường xuyên, thì việc quyết định mua lại khoản thoái vốn của nhà nước sẽ không thực sự được nhà đầu tư quan tâm trong lúc này.
Hiện nay, nhà nước sở hữu khoảng 35,3% tổng giá trị vốn hóa các doanh nghiệp trên sàn. Việc thoái vốn nhà nước sẽ giúp gia tăng thanh khoản và hỗ trợ thị trường chứng khoán trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Do đó, Nhà nước cần đẩy mạnh thoái vốn tại DNNN để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán vốn đang chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Yuanta Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho biết, để đẩy mạnh việc thoái vốn DNNN, cần thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lược từ 51- 65% để tạo mục tiêu gắn kết dài hạn của họ với doanh nghiệp. Đặc biệt, nên có chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần DNNN thoái vốn. Hiện nay, trên nhiều lĩnh vực, nhà đầu tư nước ngoài không được thâu tóm hoặc thâu tóm không quá 49% vốn của các doanh nghiệp trong nước. "Cơ hội để dòng tiền từ nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dần thu hẹp nếu không xuất hiện các cơ hội đầu tư mới hấp dẫn hơn", ông Quang nhấn mạnh.
Ngoài ra, một chuyên gia tài chính cho rằng, muốn thoái được vốn nhà nước, thì phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về thoái vốn, xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm vốn nhà nước khi đem bán…, làm sao vừa bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, không để thất thoát tài sản nhà nước, nhưng cũng phải bảo đảm linh hoạt theo nguyên tắc thị trường. Chỉ có như vậy mới có thể thoái được vốn nhà nước tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần đầu tư, đặc biệt tại những doanh nghiệp hiện Nhà nước là cổ đông thiểu số, chỉ nắm giữ 10-20% tỷ lệ cổ phần.
“Mặc dù đã được đôn đốc đẩy nhanh tốc độ thoái vốn trong suốt năm qua nhưng tiến độ thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất chậm. Sở dĩ như vậy là do các cơ quan chủ quản không có chuyên môn trong quá trình định giá, xác định giá trị lịch sử, văn hóa doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm của doanh nghiệp. Ngoài ra, tình hình thị trường, cung cầu hơn một năm vừa qua cũng không thuận lợi cho việc thoái vốn tại các DNNN, nhất là khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp”, ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh.