Kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ
Quy mô còn nhỏ, tần suất còn thấp
Tại Hội thảo “Kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ” ngày 6/7, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, quy mô và tần suất kiểm toán còn nhỏ so với yêu cầu kiểm toán loại hình doanh nghiệp này.
Nhiều bất cập
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hà Thị Mỹ Dung, trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn là lực lượng nòng cốt, là công cụ để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn còn bất cập. Hệ thống các văn bản chế độ quản lý tài chính của Nhà nước chưa chú ý quan tâm điều chỉnh nhiều đến loại hình doanh nghiệp này. Do đó, vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn không hiệu quả và gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Cụ thể, bà Dung cho biết, việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều luật nhưng chưa có sự thống nhất. Bên cạnh đó, chưa bảo đảm được yêu cầu về sự tách bạch giữa quyền sở hữu vốn và quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chưa bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động giám sát của chủ sở hữu với giám sát của quản lý nhà nước.
Công tác giám sát, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước còn nhiều hạn chế và có tình trạng can thiệp hành chính vào quản lý, điều hành của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp... Việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sử dụng vốn, tài sản không đúng mục đích, không hiệu quả.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho rằng, giai đoạn hậu cổ phần hóa cũng còn nhiều sai sót cả về xử lý tài chính cũng như quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất đai. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì các khu đất “vàng”, “kim cương” do các đơn vị này nắm giữ.
Theo ông Long, các cuộc kiểm toán đã chỉ ra một số vấn đề sai phạm từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các khu đất có giá trị lợi thế thương mại cao, không phù hợp quy hoạch, không qua đấu giá; các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất được triển khai chưa đúng so với giấy phép phê duyệt ban đầu gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm sai lệch mục tiêu cổ phần hóa. Việc tính tiền thuê đất 1 lần vào giá trị doanh nghiệp và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là “lỗ hổng” để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cổ phần hóa chiếm quyền sử dụng các khu đất “vàng” để xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại.
Cần xây dựng kho dữ liệu doanh nghiệp
Thông tin về việc kiểm toán các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cho biết, quy mô và tần suất kiểm toán của KTNN còn nhỏ so với yêu cầu. Do hạn chế về nhân sự và thời gian nên KTNN chủ yếu tập trung kiểm toán các doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước, do đó, cần tăng cường nguồn lực cho kiểm toán.
Bên cạnh đó, các cuộc kiểm toán chuyên đề còn hạn chế nên chưa có điều kiện đi sâu, giải đáp thích đáng các vấn đề về hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong các doanh nghiệp này. Việc ban hành quy trình hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ còn chậm nên thời gian đầu các đoàn kiểm toán còn lúng túng trong xác định phạm vi, giới hạn, nội dung kiểm toán.
Theo bà Lê Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), cần từng bước xây dựng, cập nhật kho dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước. Trong đó, chú trọng các thông tin về tỷ lệ vốn góp của các chủ sở hữu; thông tin về quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, các chính sách tài chính đặc thù, các chính sách quản trị… để phục vụ xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm và từng cuộc kiểm toán. Cùng với đó, chú trọng, tăng cường kiểm toán tuân thủ, đánh giá trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ…
Để nâng cao hiệu quả quản lý phần vốn nhà nước, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, đặc biệt là quy định chặt chẽ, siết chặt việc quản lý các loại đất, phát huy hiệu quả sử dụng đất. KTNN kiểm tra các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa về việc kiểm toán giá trị doanh nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về doanh nghiệp nhà nước, tài sản Nhà nước để kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa…