Quyết liệt chống tham nhũng
Đôi khi ra phường, xã, huyện làm giấy tờ đất, giấy phép xây dựng… phải cho cán bộ vài trăm ngàn để làm nhanh thì gọi là tham nhũng “vặt”, nhưng đối với người dân, người lao động thì đó là lớn. Đây là chia sẻ của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng trước Kỳ họp thứ Ba.
Xuất hiện ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tham nhũng biểu hiện với “muôn hình vạn trạng”. Tùy cấp độ, hậu quả của hành vi này mà có thể gọi là tham nhũng “vặt”, hay tham nhũng lớn. Trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu Quốc hội đã từng chỉ ra thực tế này khi ngoài đường, người vi phạm giao thông được “thông cảm” bỏ qua khi có thỏa thuận nộp phạt không lấy hóa đơn. Câu chuyện “chạy” lớp, chạy trường, chạy tuyển dụng là những ví dụ.
Không nói đâu xa, ngay trong cơ quan nhà nước, lợi dụng thủ tục hành chính còn nhiêu khê, phiền hà, không ít cán bộ, công chức đã cố tình làm khó người dân, doanh nghiệp. Trong số những hồ sơ của cá nhân, doanh nghiệp bị “ngâm” ngoài có vướng bởi các quy định pháp luật chồng chéo, còn có cả nguyên nhân từ nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ thực thi công vụ. Những biểu hiện này chỉ là tham nhũng “vặt” nhưng lại gây mất niềm tin rất lớn của người dân vào đội ngũ cán bộ, công chức.
Điều mà Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trăn trở không phải là cá biệt khi tình trạng người dân phải chi phí “bôi trơn” khi thực hiện các thủ tục hành chính đã trở thành chuyện “cơm bữa”. Sự thỏa thuận gầm này gây bức xúc trong cử tri và nhân dân thời gian qua.
Thông tin về Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2021 do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố mới đây về tình trạng tham nhũng “vặt” là điều rất đáng suy ngẫm. Theo đó, năm 2021 tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến hơn 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều đáng nói là, tình trạng phải chi lót tay này lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo. Thực trạng này cho thấy, tham nhũng “vặt” vẫn là nỗi ám ảnh của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính mang tính chất xin - cho.
Không chỉ xuất hiện tham nhũng “vặt” khi cán bộ, công chức hưởng lợi bất chính vài trăm nghìn. Thời gian qua hàng loạt cán bộ đã dính vòng lao lý khi bỏ túi hàng chục tỷ đồng bởi hành vi tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng. Trong lúc cả nước chung tay chống dịch, có giám đốc CDC đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, lợi dụng vị trí quyền lực được trao, bắt tay với doanh nghiệp để nâng khống giá kit xét nghiệm bỏ túi hơn 30 tỷ đồng... Dù nhũng nhiễu tiêu cực gây khó cho người dân để hưởng lợi vài trăm nghìn đồng, hay móc nối cấu kết với doanh nghiệp để “bỏ túi” tiền tỷ hưởng lợi bất chính thì đó cũng là biểu hiện của sự suy thoái, vi phạm về phẩm chất, đạo đức của cán bộ, công chức. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, tổn hại cho đất nước, mà còn làm mất lòng tin của nguời dân đối với cán bộ, làm méo mó sự phát triển. Những đối tượng này phải xử lý nghiêm minh để răn đe.
Chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, phức tạp và rất khó khăn. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, nếu như có quyết tâm, dũng cảm và đồng sức đồng lòng vì một bộ máy trong sạch, vì sự phát triển chung của đất nước. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay, chúng ta đã khởi tố mới 125 vụ án/259 bị can liên quan đến tội tham nhũng kinh tế, chức vụ. Nhiều bị can là cán bộ cao cấp cả đương chức, nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang đã bị khởi tố. Đây là quyết tâm rất lớn của Đảng, của cơ quan tư pháp trong diệt trừ tham nhũng.
Xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực là việc rất đau lòng, nhưng không thể không làm. Bởi “xử người này để răn đe người khác, giáo dục người khác”, để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức. Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cử tri mong rằng, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sớm phát huy hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ địa phương, cơ sở. Nếu làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực người dân sẽ không bị nhũng nhiễu bởi những phong bì “bôi trơn”, hay cán bộ không còn cơ hội để bỏ túi hàng chục tỷ đồng để hưởng lợi bất chính.