Quyết liệt triển khai các giải pháp tái cấu trúc các tổ chức tín dụng

PV.

(Tài chính) Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu và đạt được những kết quả rất tích cực. Mới đây, nhiều giải pháp quan trọng tiếp tục được NHNN được đưa ra nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc các TCTD, xử lý nợ xấu, góp phần vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Kết quả lớn nhất của tái cấu trúc các tổ chức tín dụng là đã bảo đảm được thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Nguồn: internet
Kết quả lớn nhất của tái cấu trúc các tổ chức tín dụng là đã bảo đảm được thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Nguồn: internet

Chưa đáp ứng được kỳ vọng

Nhìn lại hoạt động tái cơ cấu hệ thống các TCTD, có thể thấy, kết quả lớn nhất là đã bảo đảm được thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2012, hầu như không xảy ra hiện tượng căng thẳng thanh khoản, kể cả tại các ngân hàng nhỏ từng có nguy cơ mất thanh khoản trong năm 2011. An toàn của hệ thống vẫn được kiểm soát, tiền gửi của người dân được đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Một số ngân hàng nhỏ đã được đưa vào chương trình phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc, thông qua hợp nhất và tự tái cơ cấu...

Thực tế cũng cho thấy, nhiều địa phương cũng đã đạt được kết quả tích cực trong đó Hà Nội là một minh chứng. Theo đó, chỉ sau khoảng hơn 2 năm triển khai tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ, số lượng TCTD trên địa bàn Hà Nội đã có sự thay đổi nhanh chóng: giảm 5 chi nhánh NHTM Nhà nước, một NHTM cổ phần; Tăng một NHTM cổ phần... Trong quá trình thực hiện, an toàn hoạt động của TCTD được đảm bảo, các hoạt động tiềm ẩn rủi ro đã được TCTD từng bước khắc phục, chất lượng hoạt động quản trị điều hành được nâng cao… Đặc biệt, công tác xử lý nợ xấu đã có những kết quả rất rõ rệt. Tính đến cuối năm 2013, tổng số nợ xấu đã được các TCTD trên địa bàn Hà Nội xử lý là 20.780 tỷ đồng. Số nợ xấu sau khi cùng hợp tác xử lý thì khách hàng trả nợ được lên tới 5.243 tỷ đồng, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu 1.367 tỷ đồng. Các TCTD cũng chủ động sử dụng dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu 4.117 tỷ đồng, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ và các tổ chức, cá nhân khác 4.750 tỷ đồng...

Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thậm chí, nhiều ý kiến còn lo ngại, từ năm 2013, tiến trình tái cơ cấu trong lĩnh vực này có dấu hiệu chững lại. Tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm và tỷ lệ nợ xấu cao trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự được đẩy lùi. Việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm tiền vay của các TCTD và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục, quy định về xử lý tài sản bảo đảm, bán đấu giá tài sản; các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua khởi kiện khách hàng vay ra toà mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, thời gian thi hành án kéo dài. Thiếu nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, việc lùi áp dụng Thông tư 02 của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro từ tháng 6/2013 sang tháng 6/2014 tuy đã giúp các ngân hàng thương mại giảm mức trích lập dự phòng nhưng đã làm cho nội dung tái cơ cấu theo hướng nâng cao chuẩn mực an toàn hệ thống của NHNN bị chậm lại.

Điều đáng nói là nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang có xu hướng quay trở lại. Tính đến cuối tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 4,11%, tăng so với mức 3,61% tại thời điểm cuối năm 2013, dù có giảm so với mức 4,17% vào cuối tháng 6/2014. Lý giải nguyên nhân, NHNN cho rằng đó là do những khó khăn nội tại của nền kinh tế, sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng DN phá sản, ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng (trong 6 tháng đầu năm 2014, số DN giải thể, ngừng hoạt động là 33.454 DN, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; thị trường bất động sản phục hồi chậm, khả năng trả nợ của khách hàng vay hạn chế... Ngoài ra, cũng phải kể đến việc các TCTD bắt đầu thực hiện quy định mới về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của NHNN áp dụng từ 01/6/2014, dẫn đến nợ xấu tăng trong ngắn hạn.

6 giải pháp trọng tâm

Nhiều ý kiến cho rằng, những kết quả tái cơ cấu nêu trên là khá tích cực khi thời gian thực hiện chưa dài. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế của đất nước thì những kết quả này còn rất khiêm tốn. Trong bối cảnh đó, theo NHNN, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại các TCTD và đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện 6 giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho VAMC và các TCTD trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Hai là, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC và các văn bản hướng dẫn, trong đó có các quy định về xử lý nợ, tài sản bảo đảm của cả TCTD và VAMC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC, TCTD bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm.

Ba là, VAMC triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Nghiên cứu bổ sung nguồn lực tài chính đủ mạnh cho VAMC để thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và triển khai các hoạt động bảo lãnh, đầu tư, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay hoàn thiện dự án đầu tư có tính khả thi.

Bốn là, đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD gắn với tái cơ cấu DNNN, trong đó tích cực triển khai các giải pháp lành mạnh hoá tài chính, tăng vốn điều lệ của các TCTD; tăng cường năng lực quản lý tín dụng, thẩm định tín dụng, quản trị rủi ro tín dụng và hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa nợ xấu mới gia tăng.

Năm là, NHNN tăng cường công tác thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập về chất lượng tín dụng, nợ xấu theo kế hoạch đề ra. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm toán về nợ xấu, triển khai mạnh mẽ các giải pháp xử lý nợ xấu. Thực hiện giám sát thường xuyên diễn biến nợ xấu và việc triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu. Kiên quyết áp dụng các giải pháp xử lý đối với TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu.

Sáu là, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã được giao tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ”Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án ”Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”; chủ động, tích cực phối hợp với NHNN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường bất động sản, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý,… nhằm tạo môi trường thuận lợi cho xử lý nợ xấu và hoạt động của VAMC.