Doanh nghiệp nước ngoài "đổ bộ" vào Việt Nam: Vừa cạnh tranh, vừa hợp tác

Theo hanoimoi.com.vn

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết cùng làn sóng doanh nghiệp (DN) nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh quyết liệt không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, mà còn với cả nền sản xuất nội địa.

Để tăng sức cạnh tranh, các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước phải tăng cường sự liên kết. Ảnh: Bá Hoạt
Để tăng sức cạnh tranh, các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước phải tăng cường sự liên kết. Ảnh: Bá Hoạt

Tuy nhiên, trong thách thức luôn mở ra cơ hội, mà áp lực cạnh tranh chính là động lực để các DN Việt Nam chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm. DN bán lẻ và sản xuất nội bắt tay nhau là cách để thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn hàng bảo đảm chất lượng; đồng thời vừa cạnh tranh, vừa cộng tác với các đối thủ ngoại.

Tăng sức cạnh tranh

Sức hấp dẫn của thị trường 90 triệu dân đang thu hút nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Không quá khi sử dụng từ "đổ bộ" để nói về sự xuất hiện ngày càng nhiều DN bán lẻ và hàng Thái Lan tại thị trường Việt Nam, qua các thương vụ chuyển nhượng lên tới con số hàng tỷ USD.

Vừa mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam (gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỷ USD), Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mở Trung tâm mua sắm Robinson, mua lại 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim… Hàng hóa Thái Lan với ưu thế về chất lượng, mẫu mã, giá cả đã nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam, khiến DN trong nước không khỏi lo ngại về nguy cơ bị gạt ra khỏi hệ thống bán lẻ hiện đại.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, Cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép hàng hóa từ các nước vào Việt Nam hết sức thuận lợi. Khi DN nước ngoài nắm trong tay hệ thống bán lẻ thì hàng ngoại càng mạnh hơn, vì ông chủ nước ngoài đương nhiên ưu tiên hàng hóa của nước họ. DN Việt phải chấp nhận vừa cạnh tranh, vừa cộng tác. DN nhỏ và vừa, hoạt động đơn lẻ, tiềm lực tài chính yếu, vốn ít khi vào siêu thị càng khó có cơ hội chen chân vào hệ thống phân phối hiện đại.

Nhưng thực tế cũng cho thấy, hàng nội địa bị loại khỏi hệ thống bán lẻ hay không, phụ thuộc phần lớn vào sức cạnh tranh của hàng Việt, chứ không chỉ vì hệ thống bán lẻ rơi vào tay ông chủ nước ngoài. Vì, điều đầu tiên nhà kinh doanh bán lẻ quan tâm là nhu cầu, sự yêu thích của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Và quan trọng hơn, bất cứ nhà bán lẻ đầu tư ra nước ngoài nào đều quan tâm đến các sản phẩm địa phương.

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận định, tự DN phải biết rõ mình thiếu gì, yếu gì để khắc phục; phải mạnh dạn thay đổi về quản trị DN và văn hóa kinh doanh, nhất là cách làm việc chộp giật, không giữ chữ tín; cùng với đó là sự hỗ trợ cần thiết trong việc xây dựng lực lượng DN đủ lớn mạnh, cũng như chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán lẻ, để có thể cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, hướng tới phục vụ DN của Chính phủ được kỳ vọng là "đòn bẩy" quan trọng để tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN nội.

Liên kết để phát huy thế mạnh

Ở thời điểm hiện tại, nhiều siêu thị đã thực hiện chiến lược bắt tay với nhà sản xuất nội để hỗ trợ DN Việt Nam phát triển. Tập đoàn Vingroup vừa công bố chương trình "Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa", với mục tiêu chung tay cùng cộng đồng DN thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng bảo đảm chất lượng cho người dân.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, Tập đoàn đã xây dựng chính sách chiết khấu thương mại ưu đãi cho các DN nhỏ và vừa Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống hơn 50 trung tâm thương mại, 800 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+, 59 cửa hàng chuyên biệt VinDS cùng 123 trung tâm điện máy VinPro và cửa hàng VinPro+… Vingroup cũng sẽ hỗ trợ các DN nhỏ và vừa có nhu cầu qua việc tham gia góp vốn hoặc tư vấn về công nghệ, quản trị, kiểm soát chất lượng, marketing, tiêu thụ sản phẩm… để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, tối ưu hóa năng lực cạnh tranh trước hàng ngoại nhập.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, một mặt, Hapro phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood tại các khu dân cư, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân Thủ đô. Mặt khác, Hapro chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố để tìm kiếm, mở rộng thị trường, cùng phát triển chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ.

Trước đó, Chủ tịch Hòa Bình Group Nguyễn Hữu Đường đã đầu tư 27 triệu USD cho Trung tâm Thương mại V+, hỗ trợ DN Việt khởi nghiệp bằng những hợp đồng cho thuê mặt bằng miễn phí 50 năm, với điều kiện chỉ bán hàng sản xuất tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Đường kiến nghị Chính phủ mở rộng mô hình này trên toàn quốc, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. Chia sẻ quan điểm đó, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc hệ thống Saigon Co.op cho rằng, muốn thị trường bán lẻ Việt Nam không rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại, các nhà bán lẻ, sản xuất trong nước phải liên kết, hợp tác trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi bên.

Để các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa có thể tồn tại và phát triển trong môi trường kinh tế hội nhập đầy áp lực, thì việc các DN liên kết dưới "mái nhà" hiệp hội sẽ góp phần tăng sức mạnh và tạo "đầu ra" cho hàng Việt.

Hiệp hội là người đại diện, là tiếng nói chung để thương lượng với các siêu thị, hệ thống bán lẻ ngoài siêu thị; đồng thời, xác định điểm mạnh, điểm yếu của các DN thành viên để đưa ra các chương trình hỗ trợ nâng cao kỹ năng quản trị. Những hiệp hội mạnh có thể tự mình lập ra các công ty phân phối sản phẩm, bảo đảm cam kết về chất lượng cho các DN thành viên.