Rà soát đánh giá hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 2072/QĐ-TTg phê duyệt Đề án"Rà soát đánh giá hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh".
Mục tiêu của Đề án nhằm hoàn thiện chính sách đàm phán, ký kết Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (Hiệp định thuế) phù hợp xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán, công khai minh bạch.
Chiến lược đàm phán Hiệp định thuế trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam hiện nay ngoài mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam còn phải đảm bảo chủ trương khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, mang lại lợi ích tối đa cho Việt Nam trong việc phân chia quyền đánh thuế giữa Việt Nam và bên đối tác ký kết Hiệp định, nâng cao hiệu quả xử lý tranh chấp thuế quốc tế và chống trốn, tránh thuế.
Đề án tập trung nghiên cứu các Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần của Việt Nam và tác động của các Hiệp định thuế tới không gian chính sách thuế của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả chính sách đàm phán Hiệp định của Việt Nam và toàn bộ hệ thống Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần mà Việt nam đã ký kết từ giai đoạn năm 1992 đến nay và đề xuất chiến lược đàm phán Hiệp định thuế của Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế.
Đề án đưa ra các giải pháp chủ yếu như: Xây dựng chiến lược đàm phán, ký kết Hiệp định thuế trong giai đoạn 2021-2030; đổi mới chính sách đàm phán Hiệp định thuế với các đối tác mới; triển khai đàm lại đối với các Hiệp định thuế đã ký; xây dựng điều khoản Hiệp định về thu nhập từ hoạt động kinh tế kỹ thuật số; thực hiện điều chỉnh các quy định tại nội luật do tác động của Hiệp định thuế; thực hiện cam kết quốc tế liên quan đến Hiệp định thuế.
Cụ thể, việc đổi mới chính sách đàm phán Hiệp định thuế với các đối tác mới cần nghiên cứu xu hướng quốc tế đối với việc đề xuất các điều khoản mới của Hiệp định thuế, đặc biệt liên quan đến các vấn đề chống lợi dụng Hiệp định thuế, chống hình thành cơ sở thường trú, thu nhập từ hoạt động kinh tế kỹ thuật số, thủ tục thỏa thuận song phương. Đề xuất Bộ nguyên tắc đàm phán Hiệp định thuế trong bối cảnh mới trên cơ sở đánh giá toàn diện xu thế quốc tế, tình hình kinh tế của cả Việt Nam và các nước đối tác….
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện các giải pháp được đưa ra tại đề án nhằm điều chỉnh và định hướng chính sách đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, chủ trì đánh giá sơ kết việc thực hiện Đề án đến năm 2025 để từ đó đưa ra các đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho các giai đoạn tiếp theo; tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện đàm phán ký kết Hiệp định Thuế đến 2031 và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành có liên quan xây dựng bộ nguyên tắc đàm phán và Mẫu Hiệp định tránh đánh thuế hai lần trong bối cảnh mới...
Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.