Lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam:

Rà soát, hoàn thiện khung pháp lý

Theo Thái Yến/daibieunhandan.vn

Mở cửa thị trường lao động đã và đang tạo điều kiện cho việc di chuyển lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đồng thời cũng tạo điều kiện cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày một gia tăng. Vấn đề được đặt ra là xây dựng một khung pháp luật thích hợp nhằm quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại nước ta có hiệu quả phục vụ cho phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều hạn chế, bất cập

Việc tiếp nhận người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là cần thiết trong quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế trước xu hướng và bối cảnh toàn cầu hóa quan hệ lao động. Trong những năm gần đây, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng tăng dần cùng với sự hợp tác kinh tế, nhất là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta.

Nhìn chung, người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là sự bổ sung cần thiết cho lực lượng lao động; tạo nên sự trao đổi tự nhiên về lao động giữa nước ta và các quốc gia trên thế giới; sử dụng được những lao động có kinh nghiệm và tay nghề và có trình độ ngoại ngữ cao đáp ứng yêu cầu hội nhập của ta.

Theo Thống kê của ngành lao động, trong thời gian qua, số lượng lao động nước ngoài có xu hướng tăng. Tính đến giữa năm 2018, cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài. Trong đó, số đã được cấp giấy phép lao động chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động. Số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc đang làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động.

Tuy nhiên, việc tiếp nhận người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cũng bộc lộ những điểm bất cập: Lực lượng lao động nước ngoài chia sẻ chỗ làm việc, vị trí việc làm thông qua cạnh tranh tự nhiên, làm giảm sút số lượng việc làm, cơ hội việc làm của người lao động trong nước, nhất là việc cạnh tranh của lao động giản đơn từ nước ngoài vào Việt Nam; một bộ phận người lao động nước ngoài vào Việt Nam bất hợp pháp theo con đường du lịch ở lại làm việc khó kiểm soát, thậm chí có cả tội phạm hình sự trốn truy nã; một bộ phận người lao động nước ngoài vào Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Chưa phối hợp kịp thời và chặt chẽ

Đánh giá kết quả đạt được về thực hiện quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đa số các chuyên gia về lĩnh vực lao động đều nhất trí cho rằng, các văn bản pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từng bước được bổ sung, hoàn chỉnh theo hướng chủ động và tăng cường quản lý.

Các bộ, ngành đã tích cực xây dựng các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; trình tự, thủ tục, hồ sơ trong việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã giảm bớt thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý lao động nước ngoài giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ giữa ngành lao động, thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư, công an... trong việc chia sẻ thông tin, giải quyết các vi phạm phát sinh.

Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đối với việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam ở địa phương mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa thực sự thường xuyên, liên tục, dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa được thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức.

Việc phối hợp thực hiện trong quản lý còn hạn chế, công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức trong thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động; xuất nhập cảnh và cư trú còn hạn chế; nhiều người lao động nước ngoài vào Việt Nam mới thực hiện việc cấp giấy phép lao động…

Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực.