Rác thải điện hạt nhân - vấn đề lớn khi phát triển điện hạt nhân
(Tài chính) Chất thải phóng xạ là vấn đề lớn của điện hạt nhân mà đến nay các quốc gia vẫn chưa thống nhất được phương pháp xử lý tốt nhất. Việt Nam đang trong quá trình phát triển điện hạt nhân và việc xử lý chất thải điện hạt nhân cũng đặt ra rất nhiều thách thức.
Theo tính toán của các nhà khoa học, trung bình 1 tổ máy của nhà máy điện nguyên tử 1.000 MW, hàng năm thải ra 30-50 m3 chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình đã xử lý và 30 tấn nhiên liệu đã cháy.
Chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình ít nguy hiểm, dễ bảo quản, sau 200-300 năm có thể coi như rác thải bình thường. Tuy nhiên, vấn đề chính là nhiên liệu đã cháy chứa nhiều sản phẩm phân hạch và nuclide siêu Uran có hoạt độ phóng xạ cao và chu kỳ bán hủy dài, có thể từ vài trăm tới hàng nghìn năm.
Phương pháp mà hầu hết các quốc gia đang làm để xử lý chất thải nguy hiểm này là cất giữ toàn bộ nhiên liệu đã cháy trong kho chứa riêng biệt.
Các chuyên gia về nguyên tử cho rằng, các quốc gia nên xây dựng các kho chứa chung, mặc dù không có quốc gia nào bị buộc xử lý chất thải hạt nhân của một nước khác.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại lo ngại những kho chứa lớn sẽ gia tăng nguy cơ tai nạn hoặc ăn trộm (để chế tạo vũ khí hạt nhân) trên đường vận chuyển từ mỗi nhà máy tới các kho chứa. Trong nhiều trường hợp, vẫn chưa rõ trách nhiệm đối với kho chứa của công ty tạo ra chất thải là bao lâu và khi nào thì nhà nước kiểm soát kho chứa. Điều này khiến cho các cơ sở tạo ra chất thải phóng xạ khó tính toán chi phí, đặc biệt là nếu kho chứa được xây dựng theo cách thức phải được canh gác vì những lý do an ninh.
Hiện nay, ở ViệtNam, vẫn chưa có nơi chôn lấp chung các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Các cơ sở phải tự lo lấy biện pháp bảo quản tạm thời. Việc này rất nguy hiểm, vì khả năng thất thoát ra ngoài là khá lớn, không thể kiểm soát được. Công tác quản lý an toàn bức xạ cũng gặp phải một hạn chế lớn là chưa có luật, và rất thiếu các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Sớm ban hành chính sách về quản lý chất thải hạt nhân
Việt Nam đã tham gia Công ước về an toàn quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụngvà vấn đề đảm bảo an toàn an ninh bức xạ luôn được Chính phủ Việt Nam đặt lên hàng đầu trước khi tính đến các yếu tố như an ninh năng lượng, kinh tế, quốc phòng…
Tại hội thảo về Công tác truyền thông khoa học và công nghệ 2015- Nội dung và kế hoạch tuyên truyền phát triển điện hạt nhân mới được tổ chức gần đây, PGS.TS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, các văn bản mang tính pháp quy và tạo hành lang pháp lý quan trọng trong đảm bảo an ninh bức xạ này đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Theo đó, từng nội dung như chính sách, quy định sử dụng nguồn vào (nguyên liệu hạt nhân), các công đoạn xử lý đến nguyên liệu đã qua sử dụng… sẽ được cụ thể và chi tiết hóa để đảm bảo an toàn nhất có thể.
“Việt Nam sẽ sớm ban hành chính sách quốc gia về quản lý chất thải hạt nhân trước khi tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Cần khẳng định rằng, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu trước khi tính đến các yếu tố khác”- PGS.TS Vương Hữu Tấn nhấn mạnh.
Hiện tại, nguyên liệu đầu vào sản xuất điện hạt nhân ở Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài. Đối với dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, phía Nga, cụ thể là Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Rosatom sẽ cung cấp công nghệ và nhiên liệu hạt nhân.
Ông Nikolay Drozdov, Giám đốc Khối Phát triển Quốc tế của Rosatom cho biết: Đối với Việt Nam, chúng tôi không chỉ đề xuất một nhà máy điện hạt nhân - giải pháp năng lượng - mà còn cung ứng nhiên liệu hạt nhân, bảo đảm thu hồi nhiên liệu đã qua sử dụng về Nga, đồng thời đề xuất dịch vụ vận hành và hỗ trợ. Qua đó, chủ đầu tư sẽ không chỉ xây một nhà máy điện hạt nhân, mà còn ký một hợp đồng lâu dài thu hồi nhiên liệu đã qua sử dụng./.