Ráo riết tìm nhân sự cấp cao trước thềm đại hội cổ đông

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Việc bầu nhân sự cấp cao trước thềm Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên không chỉ là câu chuyện riêng của cổ đông và ngân hàng đó, mà là đề tài nóng và thu hút sự chú ý của giới đầu tư tài chính.

Cách thức lựa chọn tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT hiện nay đều phụ thuộc vào nhu cầu cũng như mục đích kinh doanh của các ông chủ, bà chủ ngân hàng và các nhóm cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông nước ngoài. Nguồn: Internet
Cách thức lựa chọn tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT hiện nay đều phụ thuộc vào nhu cầu cũng như mục đích kinh doanh của các ông chủ, bà chủ ngân hàng và các nhóm cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông nước ngoài. Nguồn: Internet

Trong khi hầu hết các ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch thay đổi nhân sự cao cấp trước thềm ĐHCĐ thường niên, vẫn còn một số nhà băng “đang trên đường” tìm kiếm người có đủ năng lực và phù hợp với vị trí bị khuyết.

“Cuộc chạy đua” nước rút

Các ngân hàng đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho mùa ĐHCĐ vào tháng 4 tới. Bên cạnh các vấn đề như kế hoạch lợi nhuận, tăng vốn, cổ tức, nợ xấu…, sự dịch chuyển nhân sự cao cấp cũng là một mối quan tâm không nhỏ.

Theo kế hoạch, PVCombank, Eximbank, LienVietPostBank, Sacombank… sẽ tiến hành bầu thành viên HĐQT trong tháng 4 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành.

Mới đây, PVcomBank đã công bố biên bản tổng hợp ý kiến của cổ đông về nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2018 – 2023.

Theo biên bản tổng hợp, PVcomBank đồng thời nhận được 3 đề cử của 3 nhóm cổ đông cho các chức danh trong HĐQT nhiệm kỳ mới.

Nhóm cổ đông số 1 gồm các cá nhân và pháp nhân đề cử ông Nguyễn Hoàng Nam. Hiện tại, ông Nam là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVcomBank nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Ông Ngô Ngọc Quang hiện là thành viên HĐQT PVcomBank được nhóm cổ đông số 2 đại diện cho 11,24% vốn đề cử.
Nhóm cổ đông số 3 đề cử ông Trịnh Hữu Hiền, thành viên đương nhiệm HĐQT của PVcomBank. Nhóm này gồm các cá nhân và thể nhân sở hữu 10,07% vốn điều lệ.

Được biết, những thành phần được đề cử đến thời điểm này đều nằm trong HĐQT, PVcomBank đang tiếp tục chuẩn bị các nội dung, thủ tục để tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018.

Trong ĐHCĐ lần này, Sacombank sẽ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021, trong đó có một thành viên HĐQT độc lập. 

Còn LienVietPostBank cũng đang gấp rút bầu ra Chủ tịch mới thay thế ông Nguyễn Đức Hưởng nghỉ công tác với lý do sức khỏe.

Hiện nay, theo tài liệu cung cấp cho cổ đông, sẽ có 8 cái tên được đề cử, trong đó thiếu vắng Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Huynh.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng vừa hoàn thành việc bổ nhiệm hàng loạt vị trí chủ chốt. 

Chẳng hạn, Kienlongbank vừa bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc, giữ chức vụ quyền Tổng Giám đốc, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Võ Văn Châu. Hiện, Kienlongbank đang thực hiện thủ tục trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt chức danh Tổng Giám đốc đối với bà Trần Tuấn Anh.

CEO “tên tuổi” được săn đón
Hai năm gần đây, làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp ở các ngân hàng lại bùng nổ. Trong đó có những nhà băng nhiều năm liền liên tục có biến động nhân sự như Eximbank.

Hai năm trước, ngân hàng này đã phải tổ chức hai lần ĐHCĐ thường niên nhưng đều bất thành. Thời điểm đó, câu chuyện nhân sự cấp cao của Eximbank luôn trở thành đề tài bàn tán xôn xao trong giới đầu tư tài chính khi các nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung và mâu thuẫn kéo dài. 

Trong mùa ĐHCĐ 2017, Eximbank cũng đưa nội dung trình cổ đông những ứng cử viên cho “ghế nóng”. Theo dự kiến, có thêm 3 nhân sự được bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ VI (2015 –2020).

Năm nay, Eximbank cũng dự kiến bầu thêm hai thành viên HĐQT trong kỳ ĐHCĐ vào ngày 27/4 tới._Thời gian nhận hồ sơ ứng cử đến ngày 8/3, sau đó, Eximbank chuyển hồ sơ cho NHNN xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến bầu bổ sung trước khi tiến hành đại hội.

Mùa ĐHCĐ năm nay được dự báo có nhiều tình tiết bất ngờ về sự thay đổi nhân sự cấp cao ở các ngân hàng. Bởi việc thay “tướng” không đơn thuần là việc luân chuyển cán bộ, mà còn có tính quyết định đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng đó, nên cần vị trí lãnh đạo tương xứng.

Cách thức lựa chọn tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT hiện nay đều phụ thuộc vào nhu cầu cũng như mục đích kinh doanh của các ông chủ, bà chủ ngân hàng và các nhóm cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông nước ngoài. Các CEO tên tuổi, có “thương hiệu” cũng được các ngân hàng cạnh tranh “săn đón” rất gay gắt.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng việc lựa chọn người ngồi vào “ghế nóng” ngoài phải đáp ứng đủ năng lực còn cần phải cân nhắc đến yếu tố đạo đức. Bởi thời gian qua đã xảy ra những vụ án lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản người gửi tiền, tài sản của ngân hàng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngân hàng và quyền lợi của khách hàng.