“Rót” 7,5 tỷ USD, Trung Quốc “thôn tính” bất động sản nước ngoài

Theo kinhdoanhnet.vn

(Taichinh) - Trong quý I năm nay, các công ty Trung Quốc đã đầu tư khoản tiền kỷ lục 7,5 tỷ USD vào thị trường bất động sản thương mại và nhà ở tại nước ngoài.

Trung Quốc đầu tư 7,5 tỷ USD vào bất động sản nước ngoài. Nguồn: internet
Trung Quốc đầu tư 7,5 tỷ USD vào bất động sản nước ngoài. Nguồn: internet

Theo Công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL, giá trị các giao dịch này trong năm nay được dự báo ước lên tới 20 tỷ USD.

Năm ngoái, các nhà đầu tư chi 17 tỷ USD vào bất động sản ở nước ngoài trong các lĩnh vực thương mại và nhà ở, tăng 21,4% so với năm 2013. Đây là năm mà các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào bất động sản thương mại ở nước ngoài nhiều hơn trong nước.

Theo JLL, năm ngoái, trong khi lĩnh vực bất động sản thương mại và nhà ở trong nước tăng chậm lại, đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc chiếm tới 52% giá trị các giao dịch bất động sản.

Số liệu cho thấy bất động sản thương mại như văn phòng, khách sạn, là những dự án đầu tư được ưa thích; Anh, Australia và Mỹ là những điểm đến đầu tư bất động sản của người Trung Quốc.

Quá trình tái cơ cấu chính sách, việc mạnh lên của đồng nhân dân tệ và tham vọng chiếm lĩnh thị trường quốc tế của Trung Quốc đã góp phần chuyển hướng dòng vốn ra nước ngoài.

Không thể phủ nhận giới đầu tư Trung Quốc đang giàu lên trông thấy trong những năm gần đây. Tuy nhiên theo giới phân tích, nếu giới tài phiệt Trung Quốc đơn thương, độc mã sẽ khó có đủ khả năng làm mưa làm gió trên thị trường đầu tư bất động sản như vậy được. Thậm chí người ta cho rằng Chính phủ Trung Quốc đứng sau nhiều thương vụ mua bán khổng lồ ở nước ngoài.

Thực chất, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm khi đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là sự chuyên nghiệp, ý thức phòng ngừa rủi ro nơi đất khách quê người còn thua xa các nước phát triển khác. Chính bởi vậy, gần đây Trung Quốc đã ban hành "Biện pháp Quản lý đầu tư ra nước ngoài" nhằm thắt chặt và quản lý chặt chẽ các hoạt động đầu tư này, giúp việc đầu tư trở nên tốt hơn.

Giới phân tích cho rằng, việc áp dụng biện pháp nói trên sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục duy trì dòng vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc phát triển nhanh chóng.

Trong khi đó, nhận định về tình hình kinh tế Trung Quốc nói chung, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể "hạ cánh mềm" và nước này có khả năng thực hiện được mục tiêu "phát triển bình thường mới."

OECD nhận định, trong khi tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ các cải cách cơ cấu thì sự tăng trưởng trong ngắn hạn đang được hỗ trợ bởi khá nhiều yếu tố như chính sách nới lỏng tiền tệ, việc gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nỗ lực khởi động dự án Con đường Tơ lụa mới. OECD cũng cho rằng việc hoán đổi nợ ở cấp địa phương có thể giúp giảm bớt các chi phí trong hoạt động vay mượn, đồng thời làm giảm bớt những rủi ro về tài chính.