Rủi ro cho vay ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư hướng dẫn quy định cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay bằng ngoại tệ kỳ hạn ngắn từ ngày 1/6/2016 đến hết ngày 31/12/2016, sau khi bị khép lại từ ngày 1/4 vừa qua. Đây là tín hiệu tích cực đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, song cần thận trọng với các rủi ro khi tiến hành hoạt động cho vay ngoại tệ này.
Theo quyết định này, các ngân hàng được tiếp tục xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Đồng thời, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay này cho bên cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2012 đến nay, NHNN tiến hành điều chỉnh chính sách “đóng - mở” kênh cho vay lại bằng ngoại tệ nhằm trực tiếp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với mức lãi suất tín dụng tiền đồng cao, gây khó khăn trong cạnh tranh xuất khẩu.
Việc thu hẹp tín dụng ngoại tệ luôn được kỳ vọng hướng tới việc chuyển dần quan hệ cho vay bằng ngoại tệ, sang “mua đứt - bán đoạn” ngoại tệ; thống nhất sử dụng đồng tiền VNĐ trên lãnh thổ Việt Nam; ngăn chặn tình trạng mua bán cho vay lòng vòng ăn chênh lãi suất, giảm thiểu áp lực đầu cơ ngoại hối và cả rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp trong hoạt động tín dụng ngoại tệ.
Tuy nhiên, khi lãi suất tiền gửi USD trong nước xuống 0% khiến huy động ngoại tệ của các ngân hàng có xu hướng giảm, trong khi lượng tiền ngoại tệ gửi ra nước ngoài có xu hướng tăng, còn các doanh nghiệp lại phải vay VNĐ với lãi suất cao. Nghịch lý này gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Hơn nữa, mở lại kênh cho vay ngoại tệ, các ngân hàng thương mại cũng có thể đối diện với gia tăng áp lực nguồn cung ngoại tệ. Cung giảm, trong khi cầu ngoại tệ được dự báo sẽ tăng mạnh sau ngày 1.6 nên có thể xảy ra căng thẳng ngoại tệ.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp được vay ngoại tệ sẽ có lợi vì bán ngoại tệ để mua vào tiền đồng thực hiện hoạt động kinh doanh với lãi suất vay rẻ hơn ít nhất 50% so với vay trực tiếp bằng VNĐ. Nhưng các doanh nghiệp vay ngoại tệ cũng sẽ đối diện rủi ro khi đến hạn trả nợ ngoại tệ. Nếu không chủ động được nguồn thu ngoại tệ, thì các doanh nghiệp sẽ phải mua USD của ngân hàng với giá cao để trả các khoản vay đó.
Rủi ro cho việc vay - trả nợ ngoại tệ này sẽ gia tăng, gắn với biến động mất cân đối cung - cầu và tỷ giá ngoại tệ vay tăng lên là khá cao, nhất là trong bối cảnh tiền vay có xu hướng lên giá và xuất khẩu trở nên khó khăn, giảm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu. Trong bối cảnh NHNN thực hiện chính sách tỷ giá trung tâm và điều chỉnh linh hoạt tỷ giá ngoại tệ từ đầu năm 2016 thì rủi ro càng cao nếu doanh nghiệp không chủ động và sử dụng linh hoạt các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhất là coi nhẹ các hợp đồng mua bán ngoại tệ tương lai và các nghiệp vụ (hoán đổi, mua bán quyền chọn…) chống rủi ro tỷ giá thông thường khác trên thị trường ngoại hối.
Với tinh thần giảm thiểu rủi ro, giữ ổn định chung trên thị trường tín dụng đó, trong một động thái ít nhiều liên quan, NHNN cũng đã ban hành quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Mở rộng hay thắt chặt tín dụng nói chung và tín dụng ngoại tệ nói riêng luôn có tính hai mặt. Bởi vậy, chủ động khai thác các tác động tích cực và kiểm soát các tác động mặt trái là cần thiết và cần được xử lý trên cơ sở phù hợp quy luật thị trường và hài hòa lợi ích các bên liên quan, cả bên vay và bên cho vay.
Từ ngày 1/7 đến 31/12/2016, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã là 60% (mức đang áp dụng), TCTD phi NH 100%. Từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2017, tỷ lệ này tại NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài, NH hợp tác xã xuống 50%, TCTD phi NH xuống 90%. Từ ngày 1/1/2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài, NH hợp tác xã tiếp tục giảm xuống 40%; TCTD phi NH xuống 80%.