Rủi ro đối với ngân hàng trong hoạt động tín dụng hướng đến trách nhiệm xã hội
Ngân hàng có tác động đáng kể đến kinh tế-xã hội. Ngân hàng có khả năng tác động đến xã hội thông qua việc thực hiện trách nhiệm xã hội, hoặc tác động đến các doanh nghiệp qua việc cấp tín dụng cho các dự án của doanh nghiệp có liên quan đến xã hội, đạo đức và môi trường. Tuy nhiên, trong hoạt động này, ngân hàng phải đối mặt với rủi ro nhất định. Bài viết này trình bày những hoạt động tín dụng gắn liền với trách nhiệm xã hội mà các ngân hàng thực hiện và phân tích các rủi ro liên quan, đưa ra một số giải pháp đề xuất.
Hoạt động tín dụng của ngân hàng liên quan đến trách nhiệm xã hội
Hiện nay, các ngân hàng tham gia tài trợ các dự án gắn liền với trách nhiệm xã hội (TNXH) dưới nhiều hình thức, trong đó nổi bật là những hoạt động sau:
Tín dụng xanh
Tín dụng xanh là chiến lược cho vay của ngân hàng nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Các khoản vay này nhằm điều chỉnh cơ cấu tài trợ dài hạn và ngắn hạn cho doanh nghiệp (DN), từ đó ảnh hưởng đến cơ cấu đầu tư và hiệu quả đầu tư của DN gây ô nhiễm.
Ngoài ra, các khoản vay này còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các lợi ích môi trường khác.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam, tín dụng xanh là khoản vay cung cấp cho các dự án: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Quản lý chất thải; Chống ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Mang lại lợi ích bổ sung cho môi trường.
Theo đó, hoạt động tín dụng xanh có thể phân loại như: Tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; Tài trợ cho các dự án tiết kiệm năng lượng; Tài trợ cho các dự án ngăn ngừa ô nhiễm; Đẩy mạnh các dự án bảo vệ môi trường (BVMT).
Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn
Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp, người dân chủ yếu sống ở nông thôn và nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm. Vì vậy, phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Nhà nước quan tâm và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi.
Trên cơ sở đó, các chính sách tín dụng liên tục được đổi mới nhằm hỗ trợ, tập trung nguồn vốn vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp giao thương với các vùng kinh tế khác nhau trong cả nước, thay đổi bộ mặt nông thôn, giảm khoảng cách chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn.
Một số hoạt động tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã được áp dụng trong thời gian qua như: Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Cho vay hỗ trợ lãi suất đối với người dân, DN đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản; Cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay hỗ trợ lãi suất đối với DN thu mua tạm trữ lúa, gạo trong trường hợp giá thóc, gạo trên thị trường xuống thấp; Cho vay ưu đãi lãi suất, ân hạn lãi để hỗ trợ người dân, DN thực hiện tái canh cây cà…
Ngoài ra, những chính sách tín dụng và hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính thức, đẩy lùi và hạn chế sự phát triển của các tổ chức tín dụng phi chính thức (tín dụng đen) ở các vùng nông thôn.
Tín dụng hỗ trợ cộng đồng
Hiện nay, các ngân hàng đều có nhiều hoạt động tín dụng triển khai qua các chương trình như: Cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Cho vay hỗ trợ lãi suất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hợp tác với Bộ Y tế, nhiều ngân hàng có những hoạt động tín dụng thiết thực nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Các ngân hàng cho vay đầu tư hạ tầng, trang thiết bị; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đồng hành trong chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia BHYT, hỗ trợ các xã xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa trạm y tế, xây dựng khu nhà ở cho gia đình bệnh nhân, tài trợ trang thiết bị hiện đại thiết thực cho các bệnh viện…
Rủi ro đối với ngân hàng trong hoạt động cấp tín dụng cho các dự án hướng đến trách nhiệm xã hội
Rủi ro trong cấp tín dụng xanh
Tín dụng xanh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững. Tuy nhiên, khi cấp tín dụng xanh đồng nghĩa với việc ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tài chính và rủi ro phi tài chính.
Rủi ro tài chính là rủi ro phổ biến nhất trong cấp tín dụng xanh. Rủi ro này xuất phát khi khách hàng không có khả năng trả nợ vay, do dự án không hiệu quả, hoặc do các yếu tố khách quan khác. Với nhiều dự án xanh, DN tự đánh giá thời gian thu hồi vốn thấp hơn so với thực tế do chi phí bị đội lên, dòng tiền thu về không như dự tính. Mặt khác, các dự án xanh thường đòi hỏi vốn dài hạn, trong khi ngân hàng thường huy động vốn ngắn hạn. Điều này tạo ra rủi ro về vốn khi đầu tư vào các dự án xanh.
Rủi ro phi tài chính là rủi ro không thể đo lường bằng tiền. Rủi ro này bao gồm:
Thứ nhất, rủi ro pháp lý, chính sách. Quy định pháp luật liên quan đến dự án, như các quy định về môi trường, đất đai, xây dựng, thuế... có thể thay đổi. Hiện nay, các cơ chế, chính sách khi triển khai cấp tín dụng xanh đang dừng ở mức khuyến khích chung, chưa có cơ chế cụ thể ghi nhận trong quá trình đánh giá, xếp hạng đối với tổ chức tín dụng có thành tích tốt trong hoạt động cấp tín dụng xanh, cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn/kênh tiếp cận nguồn vốn thật sự hiệu quả để các tổ chức tín dụng có thể đầu tư vào các dự án xanh.
Thứ hai, rủi ro rào cản về kỹ thuật. Rủi ro này xuất phát từ các vấn đề kỹ thuật liên quan đến dự án, như các vấn đề về thiết kế, thi công, vận hành… Các dự án điện mặt trời thua lỗ thời gian qua là dẫn chứng cho việc thiếu lực lượng lao động có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này; thiếu các cơ chế quản lý, kiểm soát chất lượng của dự án...
Thứ ba, rủi ro xã hội. Rủi ro này xuất phát từ các vấn đề xã hội liên quan đến dự án, như về an ninh, trật tự, tranh chấp đất đai…
Rủi ro trong cấp tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn
Sản xuất nông nghiệp luôn là tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi quá trình sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên nên thu nhập của hộ gia đình cũng bị tác động, khó dự báo được; đồng thời các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro như bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ nên đã ảnh hưởng đến năng lực tài chính, cũng như khả năng trả nợ khi gặp rủi ro trong sản xuất, kinh doanh của nông dân.
Lĩnh vực xuất khẩu nông sản luôn phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe như: Mỹ áp dụng Đạo luật Farmbill, Liên minh châu Âu tăng cường kiểm tra, giám sát chống khai thác thủy sản biển bất hợp pháp… Bên cạnh đó, việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, trong khi DN Việt Nam còn yếu về nguồn lực tài chính, chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, phương án trả nợ vay thiếu khả thi…
Ngoài ra, trình độ của người nông dân Việt Nam còn thấp, thiếu kiến thức cần thiết trong lập các dự án, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phục vụ cho hoạt động sản xuất. Thực tế cho thấy, nhiều chủ trang trại sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đầu tư không đúng đối tượng nên hiệu quả không cao. Điển hình là tình trạng sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn dẫn đến mất cân đối nguồn vốn, không tạo được nguồn trả nợ vay cho ngân hàng.
Những tác động trên là lý do gây nợ xấu trong sản xuất nông nghiệp, cũng là lý do khiến các ngân hàng có tâm lý ngại cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, đây cũng là lĩnh vực có khả năng sinh lời thấp, các khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp cơ bản là nhỏ lẻ nhưng chi phí hoạt động tín dụng lại khá cao.
Rủi ro trong cấp tín dụng hỗ trợ cộng đồng
Các dự án xã hội, với mục tiêu không chỉ là lợi nhuận mà còn tạo ra lợi ích cho cộng đồng, đang ngày càng nhận được sự quan tâm, tuy nhiên, rủi ro tín dụng trong các dự án này là vấn đề đáng lo ngại đối với các ngân hàng.
Các dự án xã hội thường không tạo ra lợi nhuận cao như các dự án thương mại, thời gian hoàn vốn dài và dòng tiền thiếu ổn định so với các dự án thương mại. Điều này khiến các dự án xã hội gặp khó khăn trong thu hồi vốn vay. Nguyên nhân là vì các dự án xã hội thường được tài trợ bởi các tổ chức phi lợi nhuận hoặc DN xã hội. Những đối tượng này thường ít kinh nghiệm, ít nguồn lực tài chính hơn những khách hàng vay thương mại truyền thống. Mặt khác, nguồn tài chính của các dự án xã hội còn đến từ việc trợ cấp, hỗ trợ từ chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ, mà các khoản hỗ trợ này có thể bị cắt giảm, dẫn tới rủi ro trong dòng tiền của dự án, từ đó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ.
Để giảm thiểu rủi ro tín dụng đối với các dự án trách nhiệm xã hội
Việc thực hiện TNXH trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng là cần thiết, tuy nhiên hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để phát triển hoạt động này và đảm bảo an toàn thì các ngân hàng cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, thẩm định chặt chẽ dự án. Ngân hàng cần thẩm định kỹ lưỡng dự án, bao gồm mục tiêu, tính khả thi, khả năng thu hồi vốn, yếu tố kỹ thuật, xã hội… để đánh giá rủi ro hoặc khả năng thanh toán. Quy trình cấp tín dụng cần được xây dựng phù hợp với đặc điểm của các dự án xanh, bao gồm các bước thẩm định khách hàng, dự án, tài sản đảm bảo... có thể dựa vào một số yếu tố sau: Mục tiêu, quy mô, tính khả thi của dự án; Kinh nghiệm, năng lực của tổ chức/cá nhân vay vốn; Tình hình tài chính của tổ chức/cá nhân vay vốn.
Thứ hai, đánh giá tín dụng kỹ lưỡng. Ngân hàng cần thực hiện đánh giá tín dụng kỹ lưỡng thông qua việc xem xét các yếu tố tài chính và mục tiêu xã hội của dự án. Các tiêu chí thẩm định dự án xã hội cần được xây dựng dựa trên các đặc điểm riêng của các dự án đó và cần có tính linh hoạt, chẳng hạn như tính chất phi lợi nhuận, khả năng thu hồi vốn, tác động đến môi trường…
Thứ ba, áp dụng các biện pháp bảo đảm linh hoạt. Trong các dự án có mục tiêu xã hội, các biện pháp bảo đảm truyền thống như thế chấp, cầm cố… có thể không phù hợp do đặc điểm của các dự án xã hội thường có quy mô nhỏ, tài sản thế chấp, cầm cố có giá trị thấp, hoặc khách hàng vay là các tổ chức phi lợi nhuận, DN xã hội… Do đó, ngân hàng cần áp dụng các biện pháp bảo đảm linh hoạt, phù hợp hơn với đặc điểm của từng dự án như bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh của bên thứ ba…
Thứ tư, tăng cường theo dõi và giám sát dự án. Ngân hàng cần tăng cường theo dõi và giám sát dự án trong quá trình thực hiện để kịp thời phát hiện và xử lý các rủi ro phát sinh, như: Tình hình tài chính của dự án: theo dõi tình hình thu chi, dòng tiền, khả năng trả nợ của dự án; Tiến độ thực hiện dự án: Ngân hàng cần theo dõi tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo dự án được triển khai đúng kế hoạch; Các yếu tố rủi ro: các yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến dự án, chẳng hạn như biến động thị trường, thay đổi chính sách…
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14;
- Viên Thế Giang (2013), Trách nhiệm xã hội của ngân hàng thương mại - giải pháp chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(256);
- Lưu Ánh Nguyệt (2020), Kinh nghiệm quốc tế về phát triển tín dụng xanh và hàm ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 5/2020.
- Robert Holzmann and Valerie Kozel (2007), The Role of Social RiskManagement in Development: A World Bank View, IDS Bulletin Volume 38 Number 3.