Rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động đánh mất "của để dành"
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 10/2021, cả nước đã có hơn 700 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng gấp 1,5 lần so với sáu tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, gần hai năm qua, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế, khiến nhiều người bị mất việc làm, nhiều người lao động đã đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống.
Bên cạnh đó, không ít người vì khó khăn thúc ép, vì lợi ích trước mắt, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để có luôn một khoản "tiền tươi"... Tâm lý này khiến số người lao động nghỉ việc và đăng ký hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế-xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Có thể nhận thấy, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần sớm là xu hướng không nằm ngoài dự đoán. Bởi hầu hết lao động trẻ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già; đồng thời, những áp lực về tài chính khiến số người nhận bảo hiểm xã hội một lần ở độ tuổi còn trẻ chiếm tỷ lệ cao hơn so với các độ tuổi khác.
Số liệu cho thấy, những người nhận bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi chiếm đến 80,9%; trong đó tập trung đông nhất ở nhóm 20 đến 30 tuổi, chiếm 42,7%, nhóm 30 đến 40 tuổi, chiếm 38,2%. Bên cạnh đó, đa số người nhận bảo hiểm xã hội một lần do ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm nghỉ việc chiếm tới 98,7%, còn số người nhận bảo hiểm xã hội một lần khi đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu chỉ chiếm rất ít, có 0,92%... Chính vì vậy, tại nhiều quốc gia, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga, Đức… đều không cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Còn ở Việt Nam, vì nhiều lý do, chế độ này vẫn được thực hiện, dù không được khuyến khích dẫn tới số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng tăng.
Đây là thực tế đáng lo ngại, bởi khi người lao động rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội, cũng chính là lúc họ tự tước đi quyền được tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của mình. Nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động không có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để bảo đảm cuộc sống và sức khỏe khi về già. Điều này dẫn đến rủi ro cho chính người lao động trong tương lai, cũng như tạo áp lực, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, cũng như bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp sau khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, theo khuyến nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Muốn vậy, hãy tích lũy, tham gia bảo hiểm xã hội ngay khi còn trẻ. Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp bảo hiểm xã hội, người lao động có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế giúp chăm sóc sức khỏe khi về già.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng trước thực tế rất đáng lo ngại này. Một số đại biểu cho rằng, trong kỳ họp tới, khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội cần phải xem xét quy định về nhận bảo hiểm xã hội một lần thật thấu đáo, nhằm bảo đảm các chế độ bảo hiểm xã hội được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội. Theo đó, Chính phủ cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về bảo hiểm xã hội một lần, đưa ra các giải pháp hạn chế, như: kéo dài thời gian chờ để người lao động có thời gian tìm kiếm việc làm mới và cân nhắc trước khi quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần, từ sau 1 năm lên thành sau 3 năm, thậm chí 5 năm; tiến tới chỉ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần khi người lao động hết tuổi lao động mà chưa đủ thời gian đóng một lần cho thời gian còn thiếu; hoặc những trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ra nước ngoài định cư hợp pháp...