Sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn


Trong những năm qua, việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển…; góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

 Các công nhân đang hái chè. Ảnh: Bùi Nga
Các công nhân đang hái chè. Ảnh: Bùi Nga

Xúc tiến tiêu thụ

Được triển khai từ năm 2019, Chương trình OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất - kinh doanh tham gia. Qua đó, giúp các địa phương tìm kiếm, xây dựng sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng, có thế mạnh. Tính đến nay, Thái Nguyên có 173 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-5 sao. Trong đó có 91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao.

Các sản phẩm OCOP đã và đang được ngành chức năng, địa phương cùng các chủ thể quan tâm chú trọng quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Qua đó, giúp cho các chủ thể OCOP tiếp cận với thị trường, hiểu được thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xúc tiến bán hàng.

Nhờ đó, những năm gần đây, các sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ được tiêu thụ ở phạm vi hẹp tại địa phương mà đã có mặt tại không ít siêu thị, cửa hàng lớn trong nước. Trong số này, đa phần là sản phẩm chè của các đơn vị như HTX chè Thịnh An, HTX chè an toàn Khe Cốc, HTX chè Sơn Dung, HTX chè Hảo Đạt; Công ty CP chè Tân Cương - Hoàng Bình; Công ty CP Chè Hà Thái…

Ngoài ra, một số sản phẩm khác cũng được thị trường ưa chuộng như: gạo nếp, miến, nấm, măng khô, cao ngựa bạch, tương nếp, nhung hươu… của các đơn vị như: HTX nông sản nếp vải Ôn Lương, HTX miến Việt Cường; HTX chế biến nông sản Võ Nhai; cơ sở sản xuất - kinh doanh Dương Xuân Trường…

Bên cạnh đó, một số HTX, đơn vị trong tỉnh cũng đã mạnh dạn đưa sản phẩm OCOP của mình đến với thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận.

Ông Lê Văn Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chế biến nông sản Võ Nhai, chia sẻ, HTX hiện có 2 sản phẩm là nõn măng nứa Võ Nhai và mộc nhĩ khô Võ Nhai được công nhận 4 sao OCOP. HTX đã xuất khẩu được trên 2.000 sản phẩm OCOP sang Singapore và Nhật Bản trong năm 2022.

"Thời gian qua, chúng tôi đã được ngành chức năng của tỉnh cùng chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tham gia các chương trình hội chợ, ngày hội quảng bá sản phẩm, hội nghị, hội thảo quốc tế. Bên cạnh đó, HTX cũng liên hệ gửi sản phẩm trưng bày ở một số cửa hàng trong và ngoài tỉnh, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử… Qua đó,  từ năm 2022 đến nay, chỉ tính riêng 2 sản phẩm OCOP cũng đã đem về cho HTX doanh thu 7,5 tỷ đồng.", ông Lê Văn Hiếu nêu rõ.

Có thể khẳng định, thông qua Chương trình OCOP, các chủ thể đã quan tâm hơn đến việc đầu tư xây dựng hình ảnh, mẫu mã bao bì bắt mắt, thông tin đầy đủ. Cùng với đó là chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX liên tục trong các năm đều có sản phẩm được công nhận OCOP, như: HTX chè Hảo Đạt,  HTX chè an toàn Nguyên Việt, HTX chè an toàn Khe Cốc, HTX Tuyết Hương, HTX miến Việt Cường...

Theo ông Trần Nho Hưởng - Phó chánh Văn phòng Thường trực Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, kết nối sản phẩm OCOP vào thị trường là nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với ngành chức năng, chính quyền địa phương mà còn đối với từng cá nhân, tập thể, đơn vị. Đơn giản nhất là từ việc các địa phương dành ra vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất để mở quầy giới thiệu sản phẩm OCOP; các điểm du lịch, điểm tiếp đón du khách ưu tiên dành không gian để trưng bày, quảng bá các sản phẩm chủ lực, OCOP của tỉnh…

Ông Trần Nho Hưởng chia sẻ thêm, mỗi công dân, người tiêu dùng hãy ủng hộ bằng việc ưu tiên lựa chọn các sản phẩm OCOP, nhất là sản phẩm OCOP của tỉnh. Các chủ thể OCOP cũng cần năng động hơn nữa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến nhằm đáp ứng điều kiện của các siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số

Ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện chuyển đổi số toàn diện, trên nhiều lĩnh vực như: Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi thú y,… Trong đó, đối với Chương trình xây dựng NTM và phát triển sản phẩm OCOP, ngành Nông nghiệp đã triển khai xây dựng phần mềm đánh giá, phân hạng và cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trên thiết bị di động và Hệ thống phần mềm quản lý, đánh giá và cơ sở dữ liệu các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên nhiều nền tảng.

Triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể, hợp tác xã tiếp cận, thương mại điện tử sản phẩm các sản phẩm OCOP trên các nền tảng số như Tiktok, Facebook, Zalo… Phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ tự động hóa trong một số quy trình sản xuất sản phẩm OCOP; hoàn thiện phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và Hệ thống cơ sở phần mềm thẩm định xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đưa phần mềm quản lý sản phẩm OCOP vào hoạt động đánh giá phân hạng năm 2022,…

Với thương hiệu chè nổi tiếng, cùng nhiều vườn trà trung du cổ quý hiếm, Tân Cương được nhiều người chọn là nơi khởi nghiệp, trong đó có bà Hoàng Thị Tân - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái.

Bà Hoàng Thị Tân cho biết, từ một tổ hợp tác ban đầu gồm 3 thành viên sản xuất chè trung du truyền thống từ năm 2005, do nhu cầu thị trường và phát triển sản xuất, đến năm 2018, tôi đã thành lập Hợp tác xã Tâm Trà Thái gồm 8 thành viên, có trụ sở chính đặt tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với nghề sản xuất, chế biến chè búp khô. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được hợp tác xã quan tâm để sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ.

HTX Tâm Trà Thái cũng từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh. Năm 2020 đã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao được nhiều du khách và người tiêu dùng biết đến thông qua các chương trình triển lãm thương mại, hội chợ, hội nghị trên toàn quốc

"Từ một người không hiểu thế nào là chuyển đổi số, không biết cách giới thiệu sản phẩm, không biết bán hàng trên trang thương mại điện tử, nhưng nhờ sự nỗ lực học tập, tôi tự tin livestream bán hàng giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại. Đặc biệt sử dụng thành thạo các app vận chuyển, quản lý được đơn hàng và khách hàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Khách hàng chỉ cần quét mã Qr trên sản phẩm là đã kết nối trực tiếp được nhà sản xuất, thông tin minh bạch và hạn chế được hàng nhái, hàng giả", bà Hoàng Thị Tân chia sẻ.

Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt cho hay, nhận thức được vai trò và lợi ích của chuyển đổi số nên HTX chè Hảo Đạt đã thực hiện chuyển đổi số một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn nhân lực. Đồng thời góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm và tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Trước khi chuyển đổi số, sản phẩm đơn điệu, chưa bắt mắt về hình thức, sản lượng bán ra hàng tháng chưa được cao. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, sản phẩm của HTX được bán ra thị trường tăng lên rõ rệt. Sản phẩm được thiết kế bao bì, đóng gói bắt mắt, không những đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn trở thành món quà tặng, mang lại trải nghiệm mới cho người dân cả trong và ngoài nước.

Theo bà Đào Thanh Hảo, trong khâu sản xuất chế biến sản phẩm, HTX đã chuyển đổi từ sản xuất, chế biến thủ công sang sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy hút chân không, phòng lạnh bảo quản, hệ thống sao sấy bằng điện,… Ngoài ra, hiện nay, HTX cũng đã ứng dụng các phần mềm quản lý văn bản và theo dõi công văn, sử dụng phần mềm hệ thống quản lý bán hàng KiotViet, giúp quản lý đơn hàng một cách dễ dàng và giảm được một phần công sức khi làm việc.

Theo dangcongsan.vn