Phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”

Gia Hân

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”, sáng 22/9, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”, sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn.

Chủ tọa điều hành Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”.
Chủ tọa điều hành Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”.

Du lịch nông thôn là không gian để phát triển sản phẩm OCOP

Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong tổ chức. 

 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sau 5 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), đến nay cả nước có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể (51 sản phẩm 5 sao).

Tại Diễn đàn, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP ra đời từ năm 2018 đến nay đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền; Đồng, thời, thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Do vậy, ông Phương Đình Anh cho rằng phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”, sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chỉ ra một số mặt hạn chế trong mối quan hệ “hữu cơ” này. Các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ chương trình OCOP, chương trình du lịch nông thôn và các chương trình khác. Theo ông Đình Anh, có những kế hoạch chưa có sự gắn kết với nhau như kế hoạch phát triển du lịch nông thôn chưa có sự thể hiện rõ vai trò góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP, hay có kế hoạch chỉ tập trung thúc đẩy nhiều sản phẩm OCOP lại thiếu giải pháp kết nối với chương trình phát triển du lịch nông thôn địa phương.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam phát biểu tại Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Cũng liên quan đến mối quan hệ giữa OCOP và du lịch nông thôn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty Saigon Asset cho rằng có 4 yếu tố cần xem xét trong mối quan hệ này.

Một là, sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù của từng địa phương, nhưng khi đã phát triển hơn 10.000 sản phẩm thì việc trùng lặp các sản phẩm đang diễn ra khá nhiều. “Khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chúng ta đều thấy nhiều sản phẩm na ná giống nhau. Ví dụ như quả bưởi da xanh, xuất phát đầu tiên ở Bến Tre nhưng khi tới miền Trung cũng được nhận là đặc sản nơi đây”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu cụ thể.

Ở góc độ làm du lịch các tour tuyến khi giới thiệu đây là sản phẩm đặc sản của địa phương thì khách hàng nói sản phẩm nơi này nơi kia cũng có, khiến doanh nghiệp du lịch thấy “hơi ngại” với khách hàng, liệu đây có thật sự là sản phẩm đặc sản của địa phương này không? Vì vậy, Giám đốc Công ty Saigon Asset  nhấn mạnh cần có bước đánh giá cụ thể hơn, chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương đó, tạo thuận lợi hơn phát triển du lịch nông thôn địa phương đó.

Hai là, đối với sản phẩm OCOP mang tính thủ công nhiều hơn, nhưng khi sản xuất công nghiệp đại trà thì làm mất tính đặc thù thủ công của địa phương đó. Ví dụ như bánh pía Sóc Trăng có từ lâu đời, nhưng khi được sản xuất công nghiệp thì đang có mặt ở rất nhiều nơi, nhiều kênh phân phối khác nhau. Từ thực tế đó, bên cạnh việc đồng hành cùng công nghiệp phát triển nhân rộng sản phẩm OCOP cũng nên chú trọng đến giữ nguyên các nguyên liệu đặc thù, giữ nguyên một số sản phẩm đặc thù riêng biệt cho nguyên địa phương đó.

Ba là, về việc kết hợp với đơn vị sản xuất OCOP để thiết kế các tour tuyến. Ban đầu, khi các đơn vị này chưa có thương hiệu, họ khá cởi mở khi hợp tác với công ty. Nhưng khi họ có thương hiệu rồi họ lại muốn tách ra hoặc phá vỡ hợp tác. Đây là yếu tố thiếu công bằng, vì vậy cần có cơ chế để đảm bảo tính bền vững hợp tác giữa các công ty du lịch nông thôn và các đơn vị địa phương.

Bốn là, khi phát triển ở các địa phương, cần quan sát xem địa phương đó cũng những sản phẩm đặc thù, đặc trưng như thế nào để phát triển tour tuyến. Như vậy đây là mối quan hệ đồng hành trực tiếp. Các tour tuyến du lịch thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP và ngược lại sản phẩm OCOP là yếu tố thúc đẩy phát triển tour tuyến địa phương đó. Tuy nhiên, nhiều công ty du lịch đang chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm OCOP ở địa phương mà họ quan tâm nhiều hơn đến “hoa hồng” là bao nhiêu, dẫn đến mất niềm tin của khách sử dụng.

Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp

Đánh giá tiềm năng khai thác các sản phẩm OCOP gắn kết với du lịch địa phương, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho hay, còn rất nhiều dư địa để phát triển mạnh khu vực này. Điều cốt lõi là có giải pháp thực hiện, phối hợp đồng bộ và căn cơ để cùng lúc tạo được hiệu quả cả về mặt kinh tế, tạo sinh kế cho người dân được bền vững hơn cũng như nâng tầm giá trị, quảng bá và lan tỏa hiệu quả hơn về khía cạnh văn hóa.

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương làm rõ mối quan hệ "hữu cơ" giữa phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn.
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương làm rõ mối quan hệ "hữu cơ" giữa phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, ở giai đoạn 2 của Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, thương hiệu OCOP ngày càng khẳng định với những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng chương trình cần phát huy giá trị kết nối, giá trị thị trường để thông qua thương hiệu OCOP có thể giúp kết nối giao thương, kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch.

Trong giai đoạn này, ông Hoàng Anh đề nghị Ban chỉ đạo OCOP cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để bảo đảm giá trị sản phẩm, tránh cho sản phẩm OCOP bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy giá trị tối đa. Tất cả địa phương hiểu rằng đây là chương trình hay, giá trị, như vậy, các địa phương cần xác lập tour, tuyến gắn với địa điểm là sản phẩm OCOP, giao Sở Du lịch, và đầu mối du lịch để quảng bá sản phẩm và giá trị sản phẩm OCOP.

Với 65% dân số nông thôn, có liên quan hoặc sống phụ thuộc vào nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng chương trình OCOP đang được xã hội đón nhận tích cực, việc phát huy thương hiệu OCOP cũng thể hiện sự đồng thuận xã hội để tạo ra các sản phẩm giá trị. Ngoài ra, cần quy hoạch vùng miền, các địa điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương để thúc đẩy mua bán các sản phẩm OCOP vùng, góp phần đưa sản phẩm OCOP ra thị trường mạnh mẽ hơn.

Tại Diễn đàn, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững là mục tiêu của Quyết định số 922/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Trên tinh thần đó, Bộ NN&PTNT đã triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Ngoài ra, Bộ đã xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải…

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, kết hợp giữa việc phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

 

Nhìn tức góc độ doanh nghiệp, bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn - công ty sản xuất nước mắm lớn nhất tại đảo Phú Quốc  cho rằng, cần thành lập "làng OCOP" để phát triển du lịch nông thôn. Không gian tập trung ‘làng OCOP’ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương. Đây không chỉ là không gian tích hợp để quảng bá tới khách du lịch, mà còn giúp các doanh nghiệp OCOP học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.