Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Thời gian qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Đơn cử như tại Bắc Giang, tống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Cụ thể, 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao là vải thiều Lục Ngạn; 42 sản phẩm đạt 4 sao và 138 sản phẩm đạt 3 sao… Đây là kết quả sau 4 năm thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, định hướng phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới là lấy công nghiệp là động lực, dịch vụ là điều kiện thúc đẩy và nông nghiệp là trụ đỡ, trong đó thực hiện OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn của địa phương.
Hay như tại Bắc Kạn, chương trình OCOP thông qua liên kết đã tạo ra được sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm tương đối đồng đều. Đồng thời, trình độ sản xuất của bà con nông dân được nâng cao; vừa áp dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao vừa giữ được tính truyền thống văn hóa của địa phương trong từng sản phẩm.
Theo khuyến nghị từ các chuyên gia, thời gian tới, ngoài hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ mẫu mã bao bì để xây dựng thương hiệu sản phẩm thì việc quảng bá, hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hội trợ, triển lãm cũng cần được đẩy mạnh.
Có như vậy, mới có thể khiến OCOP trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.