Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới của ngành sản xuất


Viện Chuyển đổi kỹ thuật số của Tập đoàn Capgemini dự báo, trong 5 năm tới, các nhà máy thông minh có thể sẽ đóng góp tới 500 tỷ USD giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, các nhà sản xuất toàn cầu, trong đó có Việt Nam cần tận dụng và thay thế các máy móc lỗi thời một cách hiệu quả.

“Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất tại Đông Nam Á về sản xuất và công nghiệp, do vậy cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trên thị trường”, nhận định điều này ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc điều hành công ty Reed Tradex cho biết: Viện chuyển đổi kỹ thuật số của Tập đoàn Capgemini dự báo, trong 5 năm tới, các nhà máy thông minh có thể đóng góp tới 500 tỷ USD giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu.

Trao đổi về vấn đề sẵn sàng cho kỷ nguyên mới của ngành sản xuất tại Triển lãm về máy móc và công nghệ cho ngành sản xuất và công nghiệp hỗ trợ diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8/2018, bà Shermine Gotfredsen, Tổng Giám đốc của Universal Robots tại Đông Nam Á và Châu Đại Dương cũng cho rằng, trong thời đại công nghiệp cạnh tranh hiện nay, điều cốt lõi là cách các nhà sản xuất không thể chỉ nâng cấp, mà cần tận dụng và thay thế các máy móc lỗi thời một cách hiệu quả.

Thực tế, thời gian gần đây, khái niệm Nhà máy thông minh và "Công nghiệp 4.0" đã và đang mở ra một kỷ nguyên mới với một loạt các công nghệ sản xuất kết hợp giữa các yếu tố vật lý và kỹ thuật số - những đột phá về trí tuệ nhân tạo, robot, Internet of Things, đo lường và in 3D.

Theo thống kê, tổng doanh thu của Công nghệ in 3D trên toàn cầu năm 2016 đạt giá trị 6,063 tỷ USD, tăng 17.4%. “Với tiềm năng sẵn có về mặt tùy biến và hạn chế tối đa hàng tồn kho, in 3D được xem là một yếu tố chủ chốt để hướng đến Công nghiệp 4.0”, ông Hoàng Văn Tấn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Creatz3D Việt Nam nhận định.

Theo kịp xu hướng, đầu tư nhà máy thông minh cũng đang dần manh nha tại Việt Nam, điển hình là tại Công ty Trường Hải (Thaco). Năm 2017, Thaco khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô Thaco Mazda với kinh phí lên đến 12.000 tỷ đồng tại Quảng Nam, và giai đoạn 1 của Thaco Mazda (khoảng 7.000 tỷ đồng) đã vận hành hồi tháng 3/2018. Nhà máy áp dụng hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất. Doanh nghiệp này đã áp dụng phương thức sản xuất thông minh (dây chuyền lắp ráp ô tô do các robot đảm nhiệm), xưởng thông minh, hướng tới mục tiêu trở thành nhà máy thông minh.

Hay như Công ty Vinamilk cũng đã xây dựng Nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương - nhà máy sản xuất sữa lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Tại đây, các dây chuyền sản xuất đã được tự động hóa hoàn toàn và một nhà kho với toàn bộ quy trình vận chuyển thành phẩm do robot thực hiện. Những chú robot tự hành này sẽ đi tìm ắc-quy đã được nạp đầy điện để tự thay khi nhận thấy sắp hết năng lượng.

Những ứng dụng công nghệ đã được doanh nghiệp đưa vào thực tế sản xuất nhưng theo các chuyên gia, để đạt được trình độ sản xuất tiên tiến như nhà máy thông minh đúng nghĩa thì cần có quá trình phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và con người.

“Khi yêu cầu về tốc độ, chất lượng và vật liệu ngày càng tăng, những doanh nghiệp có khả năng khai thác khả năng sản xuất mới sẽ là người chiến thắng”, nhấn mạnh điều này ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex cho rằng: Công nghệ thông minh mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các nhà sản xuất, chẳng hạn như tăng sản lượng, chất lượng và tăng tính đồng bộ. Tuy nhiên, nhà máy thông minh là một sự thay đổi lớn, các nhà sản xuất khó tránh khỏi sự choáng ngợp trong giai đoạn đầu, đặc biệt là đối với quốc gia đang trên đà phát triển sản xuất như Việt Nam. “Việc ứng dụng các công nghệ này là không mấy dễ dàng, do vậy, hành trình này cần được lập trình kỹ lưỡng theo từng bước, tránh thay đổi đột ngột”, ông Suttisak Wilanan nói.

Theo khảo sát, hiện có 76% các nhà sản xuất trên toàn cầu đang tiến hành xây dựng hoặc bắt đầu đầu tư chuyển đổi thành nhà máy thông minh, tuy nhiên chỉ 14% là hài lòng với kết quả đạt được. Trong đó, nhân lực chất lượng cao được đặt ra như là một nhân tố được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh Công nghiệp 4.0.