Nguồn nhân lực chất lượng cao:
Sẵn sàng trước Cách mạng công nghiệp 4.0
Trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, doanh nghiệp (DN) cần sẵn sàng thoát khỏi thị trường nội địa, cạnh tranh với thương hiệu toàn cầu bằng lực lượng lao động mới, có chất lượng quốc tế.
Chủ động đón đầu cơ hội
Đánh giá về nguồn lao động Việt Nam, GS.,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài - cho rằng, năm 2017, Việt Nam đã ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc hơn 400 tỷ USD; Nhiều thị trường khó tính đã chấp nhận các sản phẩm của Việt Nam. Điều này cho thấy, chất lượng nguồn lao động không đáng ngại. Thực tế Việt Nam đã có những mô hình đào tạo tốt, kết nối với DN.
Không chờ đợi thị trường một cách bị động, nhiều DN chủ động thay đổi chất lượng nguồn nhân lực. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Lý - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Viglacera - cho biết, sức mạnh cạnh tranh của DN chính là có nguồn nhân lực tốt. Điều này, đòi hỏi mỗi DN phải có chiến lược nhân sự. Viglacera luôn chú trọng đầu tư nguồn nhân lực. Ngoài việc tổ chức các chương trình đào tạo tại chỗ, cán bộ, kỹ sư của công ty còn được trải nghiệm thực tế. DN hợp tác với nhiều đơn vị đào tạo nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ.
Ông Hồ Song Ngọc - Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Tôn Đông Á - chia sẻ, nguồn lực con người có tầm quan trọng đến sự phát triển của công ty, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Nhận thức được điều này, Tôn Đông Á là DN thép lá mạ đầu tiên của Việt Nam triển khai và áp dụng thành công hệ thống hoạch định nguồn lực DN ERP của Oracle (Mỹ). Thông qua ERP, DN có thể dễ dàng kiểm soát được thời gian làm việc, khối lượng công việc, hiệu quả… của từng nhân viên.
Cần bước đột phá
Theo dự báo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong tương lai, một số ngành nghề ở Việt Nam sẽ biến mất do tác động của cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, tích cực hơn, CMCN 4.0 sẽ tạo thêm ngành nghề, việc làm mới, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, trình độ cao mới có thể đáp ứng được. Công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng bắt buộc phải đổi mới cũng như có hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định, DN đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải cách hệ thống đào tạo nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hiện nay, DN không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục còn phải là chủ đầu tư. Thời gian qua, VCCI đã kết nối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kêu gọi DN hợp tác với ngành giáo dục trong việc cải cách hệ thống giáo dục.
Đồng quan điểm, TS. Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho hay, để nâng cao công tác đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hợp tác với chính phủ Hàn Quốc, Đức, Italia và Nhật Bản trong triển khai các dự án ODA trong lĩnh vực dạy nghề đã ký kết; thực hiện đàm phán với các nhóm nước trong ASEAN để tiến tới công nhận văn bằng, chứng chỉ và kỹ năng nghề giữa các nước…