Sân sau của nạn rửa tiền
Theo tờ Independent của Anh, một trong những ấn phẩm đang được dư luận thế giới quan tâm, tìm mua là quyển Gomorrah của tác giả Roberto Saviano, hiện đã bán được trên 10 triệu bản. Quyển sách mô tả công nghệ rửa tiền của xã hội đen, trong đó London thủ đô của Anh được xem là “kinh đô” rửa tiền lớn nhất thế giới…
“Kinh đô” rửa tiền
Theo Roberto Saviano, những khoản tiền đánh cắp do tham nhũng, buôn bán ma túy hay trốn thuế từ khắp nơi đang đổ dồn về Anh, được “rửa” qua nhiều dịch vụ hợp pháp, đặc biệt là mua bất động sản (BĐS).
Tương tự, theo điều tra riêng của Independent và Cơ quan chống tội phạm quốc gia (NCA), chính các công ty của Anh lẫn hệ thống ngân hàng nước này đã trở thành sân sau của nạn rửa tiền, biến London trở thành một trong những nơi rửa tiền tinh vi và quy mô lớn.
Tháng 6/2015, NCA lên tiếng cảnh báo, mặc dù Anh là quốc gia đang có các chuẩn mực mang tính quốc tế về phòng chống nạn rửa tiền. Nhưng, đây lại là quốc gia dung túng cho vấn nạn rửa tiền, hệ lụy không chỉ bị thiệt về kinh tế mà còn đánh mất danh tiếng. Theo Văn phòng chống Ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, các tổ chức buôn bán ma túy đã ngang nhiên rửa tiền bẩn thông qua các ngân hàng Âu - Mỹ.
Tuy nhiên, không một quốc gia nào phát hiện và tố giác, thậm chí còn chào đón bởi ngân hàng đang đói tiền mặt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính kéo dài. Vì vậy, nguyên tắc “im lặng là vàng” đã và đang được các ngân hàng Anh lựa chọn.
Một trong những vụ scandal kỷ lục về nạn rửa tiền là “thành tích” của Ngân hàng HSBC, ngân hàng này đã bị Mỹ phạt 1,9 tỷ USD vì giúp đường dây buôn bán ma túy Sinaloa của Mexico rửa một khối lượng tiền khổng lồ hồi năm 2012.
Tuy nhiên, sự kiện trên người Anh xem là bình thường, không phải vấn đề của họ, ngay cả giới chức cũng làm ngơ và không bình luận. Trong khi, các quan chức tư pháp Mỹ lại kết luận tội của HSBC tày đình, hậu thuẫn các công ty con của mình thực hiện giao dịch với các quốc gia trong danh sách bị cấm…
Nhiều phương án
Hiện, có ít nhất 19 công ty ở Anh đang bị điều tra và bị cáo buộc liên quan đến việc hợp thức hóa trên 12,5 tỷ bảng Anh (20 tỷ USD) “tiền bẩn” cho khách hàng khắp nơi. Trong đó, có cả tiền do buôn bán ma túy, buôn người, khủng bố...
Những món tiền này đã “chọc thủng” biên giới Anh, thâm nhập sâu vào hệ thống ngân hàng - tài chính. Nở rộ trong vòng 4 năm trở lại đây, nhất là sau khi các nhà chức trách khui ra nguồn tiền bẩn khổng lồ từ Moldova đang được “rửa” trong hệ thống ngân hàng Anh. Vasile Sarco, phóng viên điều tra cho tờ Independent cho biết, trong suốt thời gian dài số tiền trên đã được chuyển từ Moldova, Nga… vào cho các công ty Anh mà không bị phát giác.
Bằng cách này, các doanh nghiệp hợp pháp ra đời để làm nhiệm vụ duy nhất là thực hiện các giao dịch giả, đôi khi lên tới hàng chục tỷ USD. Một khi các quỹ bất hợp pháp được hợp thức hóa tại Anh, tiền đã được đổ vào một ngân hàng ở Latvia. Đây là hệ thống ngân hàng được tích hợp với hệ thống ngân hàng EU, nơi được xem là có những quy định nghiêm ngặt và cuối cùng đồng “tiền bẩn” đã được lột xác thành những đồng tiền sạch, không hề bị kiểm duyệt.
Và dĩ nhiên những người có thẩm quyền ở Moldova và Ukraine hay Nga… đã được trả một khoản tiền lớn để bao che cho các giao dịch bất hợp pháp này. Mới đây, tòa án ở Moldova đã ban hành hơn 50 lệnh bắt giữ liên quan đến các vụ rửa tiền.
Trong đó, có bốn ngân hàng có liên quan đến vụ scandal này. Giao dịch tài khoản tiền bẩn được tìm thấy ở nhiều ngân hàng lớn như HSBC, RBS, NatWest và Citibank. Ngoài Moldova, hệ thống ngân hàng Anh còn bị cáo buộc rửa tiền cho các quốc gia khác như: Syria, Nhật Bản và Nam Mỹ...
Có rất nhiều phương án để rửa tiền, như thành lập doanh nghiệp hợp pháp để chuyển tiền, hoặc mua các BĐS giá trị, trao đổi séc du lịch và các giao dịch ảo. Tại Anh, phổ biến hơn cả là rửa tiền thông qua việc mua bán các BĐS có giá trị. Điều này đã được Thủ tướng David Cameron cảnh báo hồi tháng 7/2015 vừa qua.
Ông Cameron còn cho biết thêm, các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu một lượng cổ phiếu ước khoảng 122 tỷ Bảng tại thị trường BĐS của Anh, rất nhiều trong số này là những tài sản giá trị cao được mua thông qua các công ty, gây thiệt hại lớn cho Anh, bởi không thu được thuế.
Tháng 3/2015, cảnh sát Anh cũng đã phát hiện thấy nhiều đường dây trốn thuế, buôn người và buôn bán ma túy đã rửa hàng tỷ bảng Anh qua các công ty nước ngoài vô danh. Quy mô hoạt động của các tổ chức này đã được đề cập trong báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế của Anh (TI) công bố hồi tháng 3/2015.
Trong đó, TI cảnh tỉnh Anh đã trở thành “một nơi ẩn náu an toàn cho những nguồn tiền bẩn từ khắp nơi trên thế giới”. Một trong số những kẻ lừa đảo nước ngoài đã mua nhiều tài sản sang trọng tại London được phát giá là cựu thống đốc ngân hàng Nigeria.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều tài sản đã được mua thông qua các công ty nước ngoài tại London, phần lớn từ các thiên đường trốn thuế, tham nhũng như ở đảo British Virgin, Đảo Man & Jersey và các nước châu Phi xa xôi...