Sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm từ đốt ngoài trời ở Việt Nam
Đốt ngoài trời, bao gồm rác thải sinh hoạt và rơm rạ nông nghiệp là nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở nông thôn và một phấn thành thị Việt Nam, làm giảm chất lượng không khí và gia tăng ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Để giải quyết vấn đề cấp bách này, Hà Nội và Hải Dương đang triển khai các chương trình thí điểm, tập trung vào phân loại rác thải và các hoạt động xử lý rơm rạ bền vững, với mục tiêu giảm thiểu và tái sử dụng chất thải như một giải pháp thay thế cho việc đốt rác.
Quản lý rác thải sinh hoạt tại xã Thanh Hải
Với 4.000 hộ gia đình, gồm gần 14.000 người dân, xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) thải ra khoảng 8 tấn chất thải rắn mỗi ngày, trong đó khoảng hai phần ba là chất thải hữu cơ. Mặc dù theo quy định, các hộ gia đình phải phân loại chất thải, nhưng việc xử lý rác thải hỗn hợp vẫn còn phổ biến, dẫn đến tình trạng người dân đốt rác ngoài trời không kiểm soát tại các bãi chôn lấp rác. Để giải quyết vấn đề này, tháng 1/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã triển khai chương trình thí điểm phân loại rác thải và ủ phân tại thôn Tiên Vỹ, xã Thanh Hải.
Hai trăm hộ gia đình đã nhận được thùng ủ phân và bột vi sinh để biến rác thải hữu cơ thành phân bón. Đến tháng 6/2024, Dự án đã chuyển hướng thành công hơn 36 tấn rác thải hữu cơ khỏi bãi chôn lấp, thay vào đó, tạo ra phân hữu cơ giàu dinh dưỡng. Các hộ gia đình tham gia cũng học cách thu gom và làm sạch rác thải nhựa giá trị thấp, được vận chuyển đến các cơ sở tái chế. Đến tháng 7/2024, hơn 400 kg rác thải như vậy đã được thu gom và gửi đến một công ty tái chế địa phương.
Ông Nguyễn Thế Dũng, một người dân trong làng chia sẻ: “Nhờ có thùng ủ phân, rác thải của chúng tôi đã giảm đi và có thêm phân bón tự nhiên cho khu vườn”. Hiện gia đình ông Dũng xử lý 3-5 kg rác thải hữu cơ mỗi ngày, giúp giảm rác thải và tiết kiệm chi phí phân bón.
Một khía cạnh mới của sáng kiến này là thu gom và xử lý rác thải tái chế giá trị thấp, chẳng hạn như túi nhựa và giấy gói kẹo. Các hộ gia đình hiện thu gom và phân loại những mặt hàng này, sau đó vận chuyển chúng đến các điểm thu gom được chỉ định. Rác thải được thu gom và chuyển đến các đơn vị tái chế, giúp giảm áp lực chôn lấp và cải thiện bảo vệ môi trường. Đến tháng 7/2024, hơn 400 kg rác thải này đã được thu gom và chuyển đến Công ty Xử lý Chất thải Seraphin để xử lý.
Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân địa phương. Ông Phạm Khắc Tạo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Hải cho biết: “Việc phân loại rác tại nguồn đã góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Chúng tôi đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này trên toàn xã”.
Giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ ở Đồng bằng sông Hồng
Ngoài rác thải sinh hoạt, đốt rơm rạ vẫn là một tập quán phổ biến ở Đồng bằng sông Hồng. Việc đốt rơm, rạ góp phần làm thoái hóa đất, gây ô nhiễm không khí và thậm chí có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.
Nông dân thường đốt rơm rạ, rạ và các vật liệu hữu cơ khác sau khi thu hoạch để dọn sạch đồng ruộng một cách nhanh chóng và rẻ tiền. Ô nhiễm không khí từ tập quán này đã trở thành một vấn đề lớn ở khu vực này.
Để ứng phó, một giải pháp thay thế đã được áp dụng tại xã Kim Xuyên (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) và xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) nhằm khuyến khích nông dân sử dụng các sản phẩm vi sinh để phân hủy rơm rạ sau thu hoạch.
Khoảng 900 hộ gia đình trên cả hai xã đã đăng ký tham gia, xử lý 200 ha ruộng lúa bằng bột vi sinh. Đến tháng 6/2024, tất cả các cánh đồng thí điểm đã được xử lý, chứng minh tình trạng đất được cải thiện và giảm phát thải khí mê-tan.
Cho đến nay, cách làm này đã giúp 1.400 tấn rơm rạ khỏi bị đốt, giảm gần 11 tấn PM2.5 (các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micron), một loại bụi mịn đến mức có thể mắc kẹt trong hệ hô hấp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi và viêm phế quản.
Sáng kiến này đã có hiệu ứng lan tỏa, giảm tình trạng đốt rơm rạ ở các khu vực lân cận. Thành công của thí điểm này dẫn đến việc mở rộng mô hình này sang các huyện khác ở Hải Dương và Hà Nội trong các mùa thu hoạch sắp tới.