Sau những thay đổi lớn, quyền lực trên thị trường năng lượng thế giới sẽ thuộc về ai?

Theo Nhật Đăng/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Với những thay đổi mới trên thị trường năng lượng, cán cân quyền lực dường như đang nghiêng nhiều hơn về OPEC và nhóm nước liên minh.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Sau nhiều năm tăng cường khai thác dầu và khí đốt, nhiều tập đoàn năng lượng lớn của phương Tây như BP, Royal Dutch Shell, Exxon Mobile và Chevron đang giảm bớt quy mô sản xuất bởi họ cố gắng chuyển sang năng lượng tái sinh hoặc cắt giảm chi phí sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Theo New York Times, thay đổi lớn này có thể đảo ngược xu thế kéo dài suốt 1 thập kỷ qua đã đưa nước Mỹ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu và khí đốt cũng như nhiều sản phẩm xăng dầu khác, nước Mỹ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), những nhà lãnh đạo độc tài và các nước có nền chính trị thiếu ổn định.

Việc chính phủ nhiều nước tăng cường mở rộng sản xuất dầu và khí đốt đồng nghĩa sẽ phải mất đến rất nhiều thập kỷ để nguồn cung nhiên liệu hóa thạch giảm đi trừ khi nhu cầu với các sản phẩm này đi xuống.

Tổng thống Mỹ Joe Biden giờ đây đã chấp nhận ý tưởng rằng nước Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào dầu ngoại, ít nhất trong vài năm tới. Chính quyền của ông đã kêu gọi OPEC và các nước đồng minh tăng cường sản xuất nhằm giảm đi giá dầu và khí đốt, tuy nhiên trong khi đó lại hạn chế bớt hoạt động sản xuất dầu và khí đốt trong nội địa nước Mỹ.

Cách tiếp cận chính sách của chính quyền Biden phục vụ cho hai mục tiêu chính sách: ông Biden muốn thế giới giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhưng cùng lúc đó vẫn bảo vệ người Mỹ khỏi tình trạng giá năng lượng tăng quá cao. Trong ngắn hạn, sẽ rất khó để có thể làm được cả hai mục tiêu này bởi phần lớn người tiêu dùng không dễ để thay thế các loại ô tô chạy bằng động cơ đốt trong bằng các phiên bản ô tô chạy nguồn điện được sản xuất từ tua bin gió, tấm pin năng lượng mặt trời và nhiều nguồn năng lượng thay thế khác.

Nhiều doanh nghiệp năng lượng phương Tây cũng đang chịu nhiều áp lực từ phía các nhà đầu tư và nhà hoạt động môi trường liên quan đến việc dịch chuyển sang năng lượng sạch. Một số nhà sản xuất năng lượng Mỹ cho biết họ ngại ngần với việc tiếp tục đầu tư bởi họ lo sợ giá dầu sẽ giảm trở lại, ngoài ra cũng còn bởi ngân hàng và nhà đầu tư đang kém nhiệt tình trong việc cấp tiền cho hoạt động của họ. Kết quả, một số doanh nghiệp năng lượng đang bán đi một phần trong đế chế các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch của họ hoặc đơn giản giảm đầu tư đi.

Bối cảnh này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước vốn không chịu quá nhiều áp lực trong việc giảm khí thải, dù rằng một số doanh nghiệp cũng đang đầu tư vào năng lượng phái sinh. Trên thực tế, “người chủ lớn” của nhóm các doanh nghiệp năng lượng nhà nước này muốn các công ty năng lượng tăng cường sản xuất nhằm giúp trả nợ, có tiền trang trải cho các chương trình của chính phủ và tạo việc làm.

Saudi Aramco, tập đoàn năng lượng nhà nước hàng đầu thế giới, mới đây đã thông báo kế hoạch tăng cường sản xuất năng lượng thêm ít nhất 1 triệu thùng dầu/ngày lên 13 triệu thùng dầu/ngày trong thập niên 2030. Aramco đã tăng tiền cho khai thác và đầu tư dầu thêm 8 tỷ USD lên 35 tỷ USD.
“Chúng tôi đang cố gắng tập trung vào các cơ hội. Tất nhiên chúng tôi cố gắng hưởng lợi từ việc các đối thủ đang giảm đầu tư”, CEO của Saudi Aramco – ông Amin H. Nasser phát biểu với báo giới.

Aramco không chỉ có dự trữ lớn mà có khả năng sản xuất dầu với chi phí thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp phương Tây bởi khai thác dầu tại địa bàn mà doanh nghiệp có tốn ít chi phí hơn.

Chính vì vậy thậm chí nếu như nhu cầu giảm đi do nhiều người dân chuyển sang dùng xe tải và xe ô tô cá nhân chạy điện, Aramco vẫn có thể khai thác dầu thêm nhiều năm hơn so với phần lớn các công ty năng lượng phương Tây.

Nhiều doanh nghiệp năng lượng nhà nước lớn trên thế giới như tại Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Iraq, Libya, Argentina, Colombia và Brazil cũng đang có kế hoạch tăng cường sản xuất. Nếu giá dầu và khí đốt duy trì ở mức cao hoặc tăng thêm nữa, các chuyên gia năng lượng khẳng định sẽ có thêm nước sản xuất sản xuất dầu tăng nguồn cung.

Theo chủ tịch tổ chức nghiên cứu Strategic Energy and Economic Research tạ Massachussets – Mỹ, ông Michael C. Lynch, thị phần thị trường dầu của 23 quốc gia thuộc OPEC+, nhóm được thống trị bởi các doanh nghiệp năng lượng nhà nước thuộc OPEC và các nước đồng minh như Nga hay Mexico, sẽ tăng lên 75% từ mức 55% ở thời điểm năm 2040.

Nếu dự báo mới trở thành sự thật, Mỹ và châu Âu sẽ dễ chịu ảnh hưởng từ biến động chính trị tại các nước OPEC+ và luật chơi của nhóm nước này. Nhiều lãnh đạo các nước phương Tây và chuyên gia phân tích nhiều lần đã chỉ trích rằng Tổng thống Nga Putin đã sử dụng nguồn cung khí đốt lớn của nước này như một thứ vũ khí, khi mà gần đây giá khí đốt tại châu Âu không ngừng tăng lên những mức cao kỷ lục.

Tình hình chính trị tại nhiều nước sản xuất năng lượng lớn của thế giới như Iraq, Libya và Nigeria thiếu ổn định và sản xuất của họ có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào việc ai lên nắm quyền và ai đang cố gắng giành quyền lực.