Sầu riêng có nguy cơ bị loại khỏi thị trường, VINACAM đề xuất xem xét xử lý thông tin Cadimi trong phân bón DAP
Trước thực trạng sầu riêng - ngành hàng xuất khẩu tỷ USD đang đối mặt nguy cơ bị loại khỏi thị trường, mới đây, Công ty CP Tập đoàn VINACAM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét xử lý thông tin Cadimi trong phân bón DAP, làm rõ trách nhiệm về việc sầu riêng bị trả vì dư lượng Cadimi.

Theo Công ty CP Tập đoàn VINACAM, thời gian gần đây, sầu riêng đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và quan tâm của Chính phủ vì hàng nghìn container bị Trung Quốc trả lại do tồn dư Cadimium vượt quá hàm lượng cho phép. Ngành hàng xuất khẩu tỷ đô có nguy cơ bị xóa sổ, nông dân và các doanh nghiệp phụ trợ đứng trước cảnh thua lỗ, phá sản nếu vấn đề trên không sớm được khắc phục.
Là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2005 (tiền thân là Công Ty Cổ Phần Vinacam), Tập đoàn VINACAM luôn đứng trong danh sách 10 nhà nhập khẩu và phân phối phân bón lớn nhất Việt Nam theo đánh giá của VNR500. Với bề dày kinh nghiệm và có mối gắn kết với các nhà khoa học chuyên ngành nên VINACAM tương đối am hiểu về chất lượng phân bón của các nhà sản xuất phân bón lớn trên thế giới, trong đó có phân bón chứa Lân là DAP - một loại bón chứa Cadimium (Cdm) có thể gây hại cho cây trồng nếu hàm lượng vượt quá mức quy định.
Trên thế giới, sản phẩm DAP được sản xuất từ nhiều nước khác nhau nhưng Việt Nam thường nhập khẩu chính từ Trung Quốc, Nga, Úc, Hàn Quốc hoặc Ai cập, Morocco. Trong đó, DAP Hàn Quốc được sản xuất duy nhất bởi nhà máy Namhae và Việt Nam là nước tiêu thụ gần như toàn bộ DAP được xuất khẩu bởi nhà máy này. Đây cũng là sản phẩm rất được người nông dân Việt Nam ưa chuộng vì ưu điểm tan nhanh, thích hợp sử dụng cho rau màu, cây công nghiệp và cây ăn trái giá trị cao, đặc biệt là sầu riêng.
Các vùng tiêu thụ lớn phải kể đến Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai... và Tây Nguyên (được nhập qua cảng Quy Nhơn). Khác với nông dân Việt Nam ưa chuộng bón trực tiếp DAP cho cây trồng, một số nước, đơn cử như Thái Lan, nông dân không bón trực tiếp DAP cho cây ăn trái và sầu riêng, mà dùng phân hỗn hợp NPK nên hàm lượng Cdm trên sản phẩm luôn ở mức thấp.
Từ cuối tháng 7/2023, VINACAM đã liên tục cảnh báo thông qua công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn chưa được làm rõ, đặc biệt là liên quan đến lô phân bón DAP Hàn Quốc có hàm lượng Cdm vượt mức cho phép.
Nhằm minh bạch hóa trách nhiệm và sớm tìm ra phương án xử lý triệt để vấn đề dư lượng Cdm trong sầu riêng cũng như các sản phẩm khác, Vinacam tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm kiểm tra nhằm minh bạch hóa thông tin về quy trình xử lý phân bón DAP Hàn Quốc có hàm lượng Cdm vượt ngưỡng.
VINACAM cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố công khai kết quả tái kiểm hàm lượng Cdm đối với các mẫu phân bón DAP Hàn Quốc được thu thập trong đợt kiểm tra vào tháng 8/2023. Đồng thời, cần làm rõ quy trình và phương pháp xử lý đối với lượng DAP mà doanh nghiệp đã “tự thu hồi”, cũng như lượng còn tồn đang lưu thông trên thị trường tại thời điểm kiểm tra.
Tập đoàn này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương kiểm định phòng ngừa dư lượng Cdm trên các loại nông sản khác, đặc biệt là nông sản xuất khẩu trên các vùng trồng có sử dụng nhiều DAP, cụ thể là DAP Hàn Quốc trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chuyên môn có khuyến cáo để người dân có định hướng khi sử dụng những lô sầu riêng trả lại do hàm lượng Cdm cao.