Sẽ bổ sung chế tài trong thông tư xuất xứ hàng hóa
Ngày 14/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và một số thành viên ban soạn thảo đã có cuộc trao đổi thông tin với báo chí về quá trình soạn thảo dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, sau gần 15 ngày chính thức công bố dự thảo, qua phương tiện thông tin truyền thông có nhiều ý kiến phản biện, góp ý để hoàn thiện quy định này. Đây là dự thảo lần 1 nên sẽ tiếp tục lấy ý kiến, bổ sung, chỉnh sửa trong những lần tiếp theo. Về quy định hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh không được phép thể hiện là hàng hóa Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết quy định này nhằm phòng tránh gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu tới hàng hóa Việt Nam. "Có quy định này, cơ quan chức năng sẽ có thêm cơ sở để đấu tranh phòng chống gian lận thương mại" - ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Tại sao chọn ngưỡng 30%?
Về thắc mắc tại sao trong ASEAN, hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng 40% mới đáp ứng quy tắc xuất xứ, trong khi dự thảo thông tư này lại quy định chỉ cần 30% đã được coi là hàng hóa Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh lý giải trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi là "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC).
"Tên gọi này đã thể hiện tính chất khu vực của quy tắc xuất xứ, nghĩa là cho phép cộng gộp xuất xứ các nước thành viên" - ông Khánh cho hay và dẫn chứng với hàm lượng giá trị khu vực 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D.
Đối với thông tư Bộ Công Thương soạn thảo đã quy định chặt hơn về phần trăm hàm lượng. Cụ thể, tỉ lệ giá trị gia tăng 30% chỉ tính riêng Việt Nam. Với quy định này tại dự thảo, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Trong dự thảo thông tư, Bộ Công Thương đưa ra ngưỡng 30% hàm lượng giá trị gia tăng sẽ được coi là hàng hóa Việt Nam. Nhiều ý kiến băn khoăn sao không phải là ngưỡng cao hơn như 50% hay 60%? Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giải thích dự thảo được xây dựng dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định 31 của Chính phủ.
"Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ cần đáp ứng hàm lượng giá trị gia tăng 30% là được các nước công nhận xuất xứ Việt Nam, nếu nâng con số này lên sẽ xảy ra tình huống oái ăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là của mình" - ông Trần Thanh Hải nói.
Doanh nghiệp tự thực hiện
Sau khi dự thảo được công bố lấy ý kiến rộng rãi, một số doanh nghiệp (DN) lo ngại về việc tự xác định và ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" có bảo đảm chính xác theo các quy định hay không. Điều này cũng đặt ra vấn đề, Bộ Công Thương có tính đến khả năng sẽ có cơ quan quản lý nhà nước đứng ra đánh giá và cấp giấy chứng nhận. Về phía ban soạn thảo, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng việc đánh giá và công nhận xuất xứ sản phẩm sẽ là gánh nặng cho cả DN cũng như cơ quan quản lý. "Do đó, nếu thông tư được ban hành thì DN sẽ tự giác thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng thông tư để phân xử khi xảy ra các sự việc đòi hỏi phải có sự đúng - sai" - ông Phan Văn Chinh nhận định.
Trong dự thảo thông tư chưa đề cập chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết sẽ tiếp thu nội dung này và bổ sung trong dự thảo lần 2. Theo ông Khánh, tại dự thảo lần 1 đã quy định Tổng cục QLTT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, các cơ quan có thẩm quyền khác tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong quá trình thực thi thông tư. Quá trình này nếu phát hiện sai phạm, sẽ tùy theo mức độ vi phạm để đưa ra chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với các sản phẩm không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa Việt Nam, trong khi DN nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, doanh nghiệp sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định của Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa, tức là tự xác định, tự chịu trách nhiệm và không ghi xuất xứ Việt Nam.