Sẽ có nhiều khó khăn!

Theo Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)

Theo tổng hợp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý IV/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn so với quý III/2022.

Cũng bởi vậy mà các đơn hàng năm 2023 của các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... dự kiến sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022. Lý do chủ yếu là bởi chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh.

Bên cạnh đó là việc gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của nước ta dẫn đến doanh nghiệp bị động, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường. Do chi phí đầu vào ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp... Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như chi phí vận chuyển, tỷ giá USD/VND, lãi suất tăng khiến chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn còn khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero COVID”.

Ở góc nhìn cụ thể hơn, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thống kê ban đầu của Công đoàn, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm hoặc chờ đơn hàng do chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, nhiều thị trường nước ngoài dự báo sức mua lớn, năng lực chi trả cao, nhưng không được như kỳ vọng dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng.

Như vậy có thể thấy, dù có bước phục hồi và phát triển nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ngành hàng trong những tháng cuối năm nay vẫn còn nhiều khó khăn. Để tháo gỡ những khó khăn này, nhiều giải pháp đã được nêu ra trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây của Ban IV và các hiệp hội doanh nghiệp. Đó là cần phân tích các giải pháp để tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống đều gặp khó khăn. Phân tích các xu hướng và yêu cầu mới sẽ phát sinh ở các thị trường, nhất là xu hướng thiết lập các hàng rào kỹ thuật...

Bên cạnh đó, Chính phủ nên xem xét kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19 tới hết năm 2023. Chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, thực chất quy trình tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tập trung rà soát, cải thiện, đẩy mạnh trực tuyến hóa một số nhóm quy trình, thủ tục có tần suất thực hiện lớn và có ảnh hưởng tới hầu hết doanh nghiệp.

Ngoài ra, để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, giúp dòng vốn hỗ trợ được doanh nghiệp, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp...

Những gam màu sáng trong phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua là đáng khích lệ nhưng khó khăn, thách thức cũng đang hiện hữu, đòi hỏi doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa. Về phía cơ quan chức năng cần nhanh chóng có giải pháp, chỉ đạo, điều hành sát với tình hình thực tế.