Sẽ không có "vùng cấm" trong xử phạt vi phạm về chứng khoán
(Tài chính) Trong năm 2013, đã có thông tin thống kê (không chính thức) cho rằng, xử phạt về vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán có số lượng thuộc hàng nhiều nhất - chỉ sau số lượng về xử phạt vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, trong xử phạt vi phạm về Luật Giao thông thì chưa biết tình trạng "tái phạm" sau xử phạt như thế nào, nhưng với lĩnh vực chứng khoán thì theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra , Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương cho biết: "Phần lớn các vi phạm của cá nhân trên thị trường chứng khoán (TTCK) là vi phạm lần đầu. Một điều đặc biệt hơn, gần như không có trường hợp cá nhân bị xử phạt tái phạm, cho dù cơ quan quản lý đã theo dõi tới 2-3 năm".
Nhiều tiểu tiết đáng mừng...
Bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, hiện tại, những quy định về công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán (TTCK) là tương đối chặt chẽ. Mặc dù, việc phát hiện và công bố các vi phạm thời gian qua đã tăng về số lượng; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tình hình vi phạm tăng lên, mà nên hiểu ở góc độ rằng: chất lượng CBTT và tính minh bạch của TTCK đã và đang được nâng tầm.
Nhìn chung, trên TTCK có hai đối tượng chính vi phạm về CBTT là: các công ty niêm yết, công ty đại chúng và các cổ đông nội bộ, người có liên quan. Thời gian qua, nhiều đối tượng cố tình vi phạm với khối lượng mua bán lớn đã được cơ quan quản lý "xử" nghiêm.
Đối với nhóm vi phạm của cổ đông nội bộ, người có liên quan, mặc dù từ trước tới nay, số lượng vi phạm không phải là ít, tuy nhiên, có một điểm nổi bật là hầu hết các vi phạm này chỉ là vi phạm lần đầu.
Có khá nhiều trường hợp sau khi xem xét, cơ quan thanh tra UBCKNN thấy rằng việc vi phạm không phải do cố ý. Chẳng hạn như nhà đầu tư mua một mã cổ phiếu, ở mức giá thấp, số lượng lớn và vô tình trở thành "cổ đông lớn" mà họ không biết...
Hoặc cũng còn nhiều trường hợp khác, khi chúng tôi tiến hành xử phạt thì nguyên nhân là do ốm đau, đi công tác, đi nước ngoài,… Hay cũng còn trường hợp khác, vi phạm nhưng không biết là mình vi phạm: "tôi mua nhiều mã cổ phiếu, cũng không may mua phải mã của người thân trong gia đình mà không rõ họ làm ở đâu. Hơn nữa, tôi mua có mấy nghìn cổ phiếu thì ảnh hưởng gì đến thị trường" - một cổ đông đã giải thích như vậy khi UBCKNN ra quyết định xử phạt, bà Chân Phương kể lại.
Cũng có trường hợp, nhà đầu tư đã đăng ký và công bố việc mua hoặc bán cổ phiếu, tuy nhiên, vì giao dịch không thành công nên không "ngó lơ" đến việc thực hiện công bố.
Việc vi phạm liên quan tới cổ đông nội bộ, người có liên quan đều được Ủy ban tổng hợp để theo dõi.Qua đó, có một điểm khá đáng mừng là rất hiếm trường hợp tái phạm sau khi đã có quyết định xử phạt một lần. Mặc dù, cơ quan quản lý đã rất cẩn thận theo dõi tới 2-3 năm, chứ không đơn thuần 1 năm như Luật Xử phạt vi phạm hành chính (cứ sau 1 năm thì xem là vi phạm mới).
Tính tuân thủ vẫn là then chốt...
Nhìn chung về cơ bản, công tác tuân thủ công bố thông tin trên TTCK đang ngày càng được cải thiện theo hướng công khai và minh bạch hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều đơn vị thua lỗ, làm cho công tác công bố thông tin của DN chưa thực sự được chú trọng nhiều.
Bà Phương cho biết, nguyên nhân mà các tổ chức, DN vi phạm thì rất nhiều; song qua xác minh của cơ quan quản lý lại chủ yếu là vì khách quan. Một số đơn vị do chưa thống nhất được với kiểm toán nên không đảm bảo về thời gian công bố thông tin. Hoặc có những DN có nhiều công ty con nên báo cáo tài chính chưa hợp nhất kịp,…
Bên cạnh đó, trong quá trình xác thực lý do của doanh nghiệp đưa ra, cũng có những trường hợp thuộc dạng "hy hữu", chẳng hạn như: nhân viên kiểm toán bị tai nạn, hỏng mất dữ liệu,…
"Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, các DN vi phạm vẫn chưa thực sự nỗ lực và chủ động để công bố thông tin theo đúng quy định của pháp luật. Khó khăn về khách quan có thể có ảnh hưởng, nhưng không thể vì đó mà có thể chậm công bố, hoặc vi phạm về công bố thông tin. Do vậy, yêu cầu về tính tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán cần được các tổ chức, DN nâng lên" - bà Phương nói.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra, năm 2014, UBCKNN tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra giám sát đối với các tổ chức, cá nhân trên TTCK. Nghị định 108 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đã được ban hành theo hướng tăng cường chế tài xử phạt, bổ sung các hành vi mới. Trên cơ sở đó, công tác thanh tra, giám sát sẽ tiếp tục triển khai, phối hợp chặt chẽ; tăng cường tính chủ động giám sát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có "vùng cấm", đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, trong năm 2014, chúng tôi sẽ trình ban hành văn bản hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK theo qui định của thông tư liên tịch số 46 ngày 11/3/2009 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an - bà Phương cho biết.
Năm 2013, UBCKNN đã tổ chức 14 đoàn thanh tra và 33 đoàn kiểm tra đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng, thao túng giá chứng khoán. UBCKNN đã ban hành 84 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức cá nhân, với tổng số tiền xử phạt là gần 8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBCKNN đã áp dụng hình thực xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động môi giới có thời hạn đối với 1 công ty chứng khoán do hành vi cho khách hàng vay chứng khoán khi chưa có quy định của Bộ Tài chính, đình chỉ có thời hạn đối với 1 công ty quản lý quỹ do hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép.
Cũng trong năm 2013, UBCKNN đã triển khai 7 đoàn kiểm tra giao dịch về thao túng giá chứng khoán. Bên cạnh hình thức phạt tiền đối với các trường hợp vi phạm, Ủy ban đã thực hiện tịch thu tài khoản thu lời trái pháp luật đối với 1 trường hợp xác định được có khoản thu lời trái pháp luật.