Kho bạc Nhà nước:

Sẽ mở rộng phạm vi và hình thức phối hợp thu ngân sách

Theo tapchithue.com.vn

Đó là khẳng định của bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Thuế xung quanh công tác phối hợp thu giữa Tổng cục Thuế với Kho bạc Nhà nước trong thời gian tới.

Năm 2015, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phối hợp và cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thu NSNN an toàn, hiệu quả. Bà có thể đánh giá khái quát về những kết quả đã đạt được?

 Bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước: Năm 2015, hệ thống KBNN đã vận hành thành công trên phạm vi toàn quốc hệ thống phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) tập trung với 4 ngân hàng thương mại (NHTM); 11 đơn vị cấp tỉnh, TP và sở giao dịch KBNN đã thực hiện TTSPĐT ngoại tệ; 6 đơn vị cấp quận, huyện thí điểm thu NSNN qua máy chấp nhận thẻ POS.

Đây là những kết quả rất quan trọng, thể hiện nỗ lực của hệ thống kho bạc trong việc thực hiện công tác phối hợp thu NSNN và cải cách thủ tục hành chính.

Nhờ đó, thông tin thu NSNN từ các NHTM được điện tử hóa, đảm bảo toàn vẹn dữ liệu trong các quy trình xử lý, chia sẻ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tập trung nhanh, hạch toán kế toán các khoản thu kịp thời, chính xác phục vụ cho công tác điều hành NSNN và xác định hoàn thành nghĩa vụ cho người nộp thuế.

Cũng thông qua hệ thống phối hợp thu NSNN và thanh toán của KBNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã có nền tảng vững chắc để triển khai thu thuế điện tử, mở rộng phạm vi thu NSNN đến tất cả các NHTM. Việc thu thuế bằng tiền mặt và thu trực tiếp tại KBNN đã giảm rõ rệt, thay vào đó là thu thuế bằng chuyển khoản thông qua các NHTM ngày càng tăng lên.

Điện tử hóa đang là xu thế chung của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Theo hướng này, KBNN sẽ có kế hoạch gì để mang lại những tiện ích tốt nhất cho người giao dịch?

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính về xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, KBNN đã tích cực xây dựng và đưa vào vận hành nhiều chương trình, ứng dụng nghiệp vụ.

Cụ thể, đã kết nối trao đổi thông tin điện tử về thu NSNN và thanh toán song phương giữa KBNN và các NHTM nhằm cung cấp dịch vụ thu NSNN và thanh toán các khoản chi NSNN cho các nhà cung cấp theo kênh điện tử.

Bên cạnh đó, KBNN đã phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thành việc xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử KBNN phục vụ người dân. KBNN cũng đã cơ bản hoàn thành việc thí điểm cung cấp 3 dịch vụ công trực tuyến mức 3 trên trang dịch vụ công KBNN vào năm 2016 và tiến tới cung cấp trên diện rộng vào các năm tiếp theo.

Đó là các hoạt động khai báo giao nhận hồ sơ và giao dịch một cửa; giao diện thông tin yêu cầu thanh toán và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán qua mạng; đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN. Việc triển khai các dịch vụ công này sẽ góp phần minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiết kiệm thời gian, công sức cho các đơn vị, cá nhân hơn trong quá trình giao dịch với KBNN cũng như giảm khối lượng công việc thủ công cho cơ quan quản lý.

Thời gian tới, KBNN sẽ rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ để đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiếp tục kết nối với hệ thống các ngân hàng mở rộng các hình thức thu, nộp qua ATM, POS, Internet, cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các NHTM đẩy mạnh việc thu phạt vi phạm hành chính qua mạng.
Vậy đâu được xem là đích đến mới cho công tác phối hợp thu NSNN giữa KBNN và Tổng cục Thuế, thưa bà?

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 xác định mục tiêu hình thành kho bạc điện tử. Để thực hiện mục tiêu đó, KBNN xác định phải hiện đại hoá quản lý thu NSNN theo hướng đơn giản về thủ tục hành chính. Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin điện tử vào quy trình quản lý thu với các phương thức thu nộp thuế hiện đại, bảo đảm xử lý dữ liệu thu theo thời gian thực thu.

Bên cạnh đó, hiện đại hóa công tác thanh toán của KBNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, theo hướng tự động hóa và tăng tốc độ xử lý các giao dịch; bảo đảm dễ dàng kết nối với các ứng dụng khác; tham gia hệ thống thanh toán điện tử song phương, liên ngân hàng, bù trừ điện tử với các ngân hàng; ứng dụng có hiệu quả hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tiên tiến của quốc tế với mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt.

Để hoàn thành các mục tiêu này, KBNN xác định công tác phối hợp thu giữa KBNN và Tổng cục Thuế nói riêng, với các cơ quan quản lý thu và hệ thống các ngân hàng nói chung là nền tảng hết sức quan trọng.

Vì vậy trong thời gian tới, KBNN sẽ cùng với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác này, đồng thời mở rộng phạm vi và các hình thức thu NSNN; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ thu, đảm bảo tính đồng bộ và quyền lợi cho người nộp thuế.

Đặc biệt, các ứng dụng quản lý, phối hợp thu qua 3 hệ thống thanh toán của cơ quan thuế, KBNN và các ngân hàng sẽ được kết nối trực tuyến, đảm bảo thông tin về người nộp thuế, số thu nộp được ghi nhận và chia sẻ kịp thời, chính xác giữa các đơn vị.

Với nỗ lực trong nội bộ hệ thống và sự phối hợp tích cực, chủ động của Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan, chúng tôi tin tưởng đến năm 2020, KBNN sẽ hoàn thành được các mục tiêu đề ra./.
Xin cảm ơn bà!