Sẽ nghiên cứu vấn đề người nước ngoài “núp bóng” thu gom đất

Theo Lê Sáng/batdongsan.enternews.vn

Trả lời trước Quốc hội về hiện tượng cá nhân, tổ chức nước ngoài “núp bóng” thu gom đất có vị trí đắc địa, nhạy cảm, tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ nghiên cứu và báo cáo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mới đây, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) tranh luận: Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV các đại biểu có chất vấn về việc có 162.000ha do người Trung Quốc sở hữu, trong đó có 63.000 ha đất biên giới, vùng biển. Mặt khác có việc người Việt Nam "núp bóng" mua cho người nước ngoài, việc này Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiểm soát, kiểm tra như thế nào? Bộ đề nghị Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư để kiểm soát vấn đề này như thế nào?

Sẽ quản chặt đất đai

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vấn đề lớn, nhưng chưa có điều kiện nắm rõ chính xác tình hình thực tế của địa phương. 

"Với trách nhiệm của bộ, chúng tôi sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ để có chính sách nào theo quy định của pháp luật để quản lý đất đai mà các nhà đầu tư nước ngoài núp bóng dưới nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt vùng ven biển, sát biên giới. Đây là vấn đề nhạy cảm, chúng tôi sẽ nghiên cứu và xin báo cáo Quốc hội sau", ông Dũng nói.

Liên quan đến nội dung cá nhân, tổ chức nước ngoài đứng sau, “núp bóng” các cá nhân, tổ chức trong nước thâu gom đất đai tại các vị trí đắc địa và nhạy cảm, từ giữa năm 2020, khi Bộ Quốc phòng thông tin về việc cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ đất đai tại các vị trí “đắc địa” và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ quân sự, Diễn đàn doanh nghiệp đã có loạt nội dung phản ánh, chuyển tải những phân tích của các chuyên gia về nội dung này.

Theo đó, trước tình trạng người nước ngoài đang thâu tóm các vị trí đất “đắc địa”, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khuyến nghị cần tỉnh táo trước vấn đề bất thường trên. Do pháp luật của ta là chặt chẽ nên các cá nhân doanh nhân Trung Quốc khi muốn nắm giữ các vị trí đất đặc địa này phải mượn danh người Việt Nam để mua BĐS. Về mặt hình thức, người Việt mua là phù hợp pháp luật, nhưng về nội dung lại là trái pháp luật vì đó là giao dịch không thật, GS. Võ phân tích.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc cá nhân, tổ chức người nước ngoài đầu tư kinh doanh hoặc sở hữu căn hộ tại Việt Nam là những hoạt động kinh tế bình thường. Tuy nhiên, theo GS. Võ thì việc người Trung Quốc có tại rất nhiều vị trí đắc địa, tại biên giới trên đất liền và ven biển thì không bình thường.

“Những rủi ro về kinh tế, xã hội, quốc phòng, người dân hoàn toàn có quyền đặt ra bởi vì, câu chuyện ở Biển Đông hiện nay làm cho mọi người lo ngại về kiểu hành xử trên Biển Đông sẽ diễn ra trên đất liền”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.

Cần giải pháp từ Luật

Chia sẻ về vấn đề trên với DĐDN, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng về hình thức, việc người Việt đứng tên các BĐS đắc địa và các doanh nghiệp (bao gồm cả liên doanh, FDI, cổ phần có yếu tố nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc) được phép thuê có thời hạn các BĐS là phù hợp với các quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp có dự án tại các BĐS “đắc địa”, các tổ chức của Trung Quốc lúc đầu thường có tỷ trọng sở hữu thấp, sau đó họ dần mua lại, thâu tóm khiến tỷ lệ sở hữu của người Việt Nam dần mất đi. Việc thông qua doanh nghiệp Việt Nam sở hữu các nhà ở, thuê dài hạn các dự án này hiện không trái pháp luật Việt Nam. "Thực tế đang đặt ra vấn đề bất cập nhưng Luật Đầu tư chưa điều tiết được. Vì không sai nên không thể xử lý" - TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Cũng theo TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, để đảm bảo tính độc lập, quyền của người có quốc tịch Việt Nam và an ninh quốc phòng đã đến lúc tính đến việc điều chỉnh Luật. Phải có giải pháp giảm tình trạng cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu các BĐS “đắc địa” và có vị trí chiến lược, đặc biệt là tại các tỉnh thành dọc biên giới hoặc ven biển.

“Phải thể chế hóa các quy định liên quan đến việc cá nhân nước ngoài và các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu BĐS bằng cách trong các quy hoạch có thể xác định rõ các khu vực mà dự án đầu tư xây dựng được phép hoặc không có yếu tố nước ngoài”, TS. Nghiên khuyến cáo.

Chia sẻ quan điểm trên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng để xử lý việc lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật về đầu tư thì cách tiếp cận tối ưu nhất là cùng với việc tuyên truyền, chúng ta cần xử lí nghiêm hành vi đứng tên hộ, cho “núp bóng” để sở hữu BĐS.