Sẽ sửa đổi quy trình quản lý để hạn chế tối đa gian lận hóa đơn điện tử
Tổng cục Thuế đang thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy trình quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT) nhằm hạn chế tối đa việc lợi dụng gian lận HĐĐT.
Tại cuộc họp để trao đổi, thảo luận một số nội dung về HĐĐT do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 14/12, đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cá nhân (DNNCN) cho biết, để triển khai các quy định về HĐĐT kể từ ngày 1/7/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành Quy trình quản lý HĐĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1447/QĐ-TCT ngày 5/10/2021.
Thực tiễn cho thấy, sau một thời gian triển khai đã phát sinh nhiều trường hợp gian lận trong việc sử dụng HĐĐT đòi hỏi phải có những giải pháp để ngăn chặn. Ngoài các nội dung đề xuất sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trong thời gian tới, cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1447/QĐ-TCT nhằm hạn chế tối đa việc lợi dụng gian lận HĐĐT trên cơ sở các quy định hiện hành, đáp ứng tình hình thực tế phát sinh.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu để Quy trình sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1447/QĐ-TCT được sửa đổi, bổ sung theo nguyên tắc như sau:
Thứ nhất, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì các nội dung tại Quy trình vẫn phải đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành.
Thứ hai, Quy trình HĐĐT phải có sự xác định rõ phạm vi công việc tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy trình khác liên quan đến quản lý HĐĐT như Quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/5/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Quy trình kiểm tra hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 1403/QĐ-TCT ngày 28/07/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Thứ ba, khai thác tối đa các thông tin hiện có trên cơ sử dữ liệu HĐĐT và các dữ liệu từ các phân hệ quản lý thuế khác (TMS, TTR, TPR, Etax…) để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp không đáp ứng điều kiện về sử dụng HĐĐT, góp phần hạn chế tối đa việc gian lận trong sử dụng HĐĐT.
Thứ tư, quy định tối đa các bước trong quy trình quản lý HĐĐT, chứng từ điện tử phải được hỗ trợ tự động từ Hệ thống quản lý HĐĐT chứng từ điện tử, hạn chế tối đa thực hiện công việc trực tiếp từ cán bộ thuế đến cơ quan thuế theo hình thức thủ công.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và Cục Thuế tham dự đều thống nhất quan điểm Quy trình quản lý HĐĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1447/QĐ-TCT từ khi ban hành đến nay đã phát sinh nhiều vướng mắc, cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế phát sinh.
Đại diện các cục thuế cũng đưa ra một số nội dung vướng mắc trong triển khai như HĐĐT về máy tính tiền, chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, biên lai điện tử… Đối với những nội dung đã được quy định, đại diện các đơn vị chức năng Tổng cục Thuế đã có những giải đáp rõ ràng, cụ thể.
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn nhận định, thực hiện quy định về việc quản lý, sử dụng HĐĐT từ ngày 1/7/2022, thời gian qua cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống HĐĐT trên phạm vi cả nước, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đẩy nhanh tiến tình chuyển đổi số, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, qua đó góp phần vào triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng lợi dụng, gian lận HĐĐT nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật. Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đề nghị đơn vị chủ trì tiếp thu, giải trình chi tiết ý kiến góp ý của các cục thuế đảm bảo quy trình sau khi được ban hành sẽ vận hành có hiệu lực, hiệu quả.