"Siết" quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Bộ Tài chính đánh giá thương mại điện tử (TMĐT) phát triển là xu hướng tất yếu, do đó nhà nước cần có các quy định cụ thể để thực hiện việc quản lý.
Theo một nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á được dự đoán sẽ chạm mốc 102 tỷ USD vào năm 2025.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến vì sự tiện lợi mà nó mang đến, các nhà đầu tư trong lĩnh vực e-commerce cũng mạnh dạn hơn trong việc tìm kiếm và đầu tư vào những tiềm năng mới. Tại Đông Nam Á, mạng xã hội TMĐT thậm chí đã bùng nổ trước khi làn sóng TMĐT lên ngôi. Từ lâu, các hội nhóm trên Facebook đã trở thành diễn đàn mua bán của nhiều người dùng khi mà Facebook Marketplace còn chưa được giới thiệu.
Tại Việt Nam, trong năm qua, thị trường TMĐT có nhiều chuyển động sôi nổi, các hoạt động kinh doanh, buôn bán thông qua mạng trực tuyến không hề có dấu hiệu dừng lại mà được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong các năm tới. Theo số liệu công bố của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường của Đức), năm 2018, doanh thu TMĐT Việt Nam đạt 2,269 tỷ USD và nằm trong top 6 nền TMĐT phát triển nhất năm 2018.
Còn theo một báo cáo của diễn đàn The LEADER , Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là những thị trường TMĐT có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Cùng với sự phát triển này, thị trường hàng hóa thông qua TMĐT cũng đang mở rộng sang các thị trường mới. Điển hình là Thái Lan (+104%), Malaysia (+88%) và Việt Nam (+69%), nơi mà TMĐT chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng đã ghi nhận những mức tăng trưởng đáng kể.
Tuy nhiên, mặt trái của việc bùng nổ như vũ báo của TMĐT là đang thiếu sự kiểm soát. Hiện nay, giao dịch TMĐT qua biên giới đang rất dễ dàng, không chỉ với doanh nghiệp mà cả cá nhân.
Ví dụ như, chỉ cần có tài khoản và thẻ thanh toán quốc tế, người mua có thể chọn mua bất kỳ món hàng nào trên các trang như Amazon, Alibaba… với chi phí khá hợp lý và thời gian vận chuyển chỉ 5-15 ngày.
Bên cạnh đó, người mua hàng còn có thể đặt lệnh mua hàng trực tiếp từ nước ngoài ngay trên các trang TMĐT trong nước như Lazada, Shopee… thông qua dịch vụ liên kết do các trang này cung cấp. Nhiều trang web bán hàng tổng hợp của nước ngoài hoặc website riêng của các nhãn hiệu hàng hóa trên thế giới cũng cho phép mua hàng và thanh toán trực tiếp qua thẻ thanh toán quốc tế.
Trên thực tế đã phát sinh nhiều tình huống đòi hỏi cần có quy định quản lý nghiêm ngặt. Bộ Tài chính khẳng định "Khi TMĐT qua biên giới phát triển mạnh mẽ, các cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với các vấn đề như thiếu thông tin, khai báo không chính xác; Khó ngăn chặn các lô hàng cấm; Hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu; Hàng buôn lậu do số lượng hàng hóa gửi nhỏ lẻ trong khi chất lượng thông tin; Dữ liệu trước về hàng hóa không có nhiều; Khó kiểm soát chống gian lận về phân loại và xuất xứ hàng hóa để được hưởng các mức thuế suất ưu đãi đặc biệt…".
Bộ Tài chính đánh giá TMĐT phát triển là xu hướng tất yếu, do đó nhà nước cần có các quy định cụ thể để thực hiện việc quản lý.
Trước đó, nhằm có chế tài quản lý TMĐT, đã có hàng loạt quy định được xây dựng trong Luật Giao dịch TMĐT, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Luật An ninh mạng, Luật Quản lý thuế… Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ, đồng bộ nên các bên tham gia hoạt động TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng ngành này trung bình 25%-30%/năm và có khả năng đứng thứ 3 Đông Nam Á vào năm 2025.
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp như cần quy định chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan phải cung cấp thông tin về hàng hóa và người bán hàng; cần quy định cụ thể về chấp nhận trị giá mua bán qua TMĐT là trị giá thực của giao dịch để thực hiện tính thuế với điều kiện các thông tin về việc mua bán được gửi đến hệ thống quản lý chung...
Mục tiêu của Đề án là đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm: Đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực TMĐT. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh lợi dụng hoạt động TMĐT để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.
Đối tượng điều chỉnh của Đề án gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động TMĐT (cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý hoạt động TMĐT); người mua hàng (tổ chức, cá nhân); người bán hàng; chủ các sàn giao dịch TMĐT; Các doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Doanh nghiệp là đại lý cho các sàn giao dịch TMĐT; website TMĐT bán hàng; Doanh nghiệp là đại lý làm thủ tục hải quan…