Phát triển thương mại điện tử Việt Nam: Tiềm năng và kiến nghị
Với số người sử dụng điện thoại và internet cũng như các mạng xã hội tăng, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam vốn đầy tiềm năng lại càng thêm sôi động. Tuy nhiên, song hành với đó là nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp nội địa khi cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Bài viết đánh giá thực trạng phát triển thương mại điện tử, tiềm năng thị trường, đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng tầm phát triển thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Thương mại điện tử Việt Nam phát triển ấn tượng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 30%, đạt gần 8 tỷ USD (Năm 2016, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử ở mức 5 tỷ USD, tăng 20% và năm 2017 là 6,2 tỷ USD, tăng 24%).
Khảo sát mới đây trên thị trường mua bán trực tuyến cho thấy, số người mua sắm chủ yếu ở lĩnh vực thời trang chiếm 78%, trong khi công nghệ thông tin là 50% và hóa mỹ phẩm là 44%. Khách hàng chủ yếu mua sắm trên smartphone thông qua những ứng dụng (app) mua sắm như Shoppe, Lazada, Tiki... hay trên mạng xã hội như facebook, Zalo.
Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, Shoppe, Tiki... là những "ông lớn" trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Cụ thể, Shopee là trang thương mại điện tử được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất trong mua sắm với các hạng mục: Thời trang, làm đẹp và thực phẩm. Tuy nhiên, về mức độ hài lòng của khách hàng, Tiki lại cao hơn hẳn so với Shopee và Lazada với việc 46% khách mua hàng Tiki hài lòng về dịch vụ trong khi con số này của Shopee là 22%, Lazada là 24%.
Đáng chú ý là dù sử dụng các kênh thương mại điện tử, song hình thức thanh toán giao hàng trả bằng tiền mặt vẫn phổ biến nhất. Điều này cho thấy, tình trạng sử dụng tiền mặt vẫn cao, đây là một lực cản không nhỏ đối với Việt Nam khi muốn nâng tầm lĩnh vực thương mại điện tử trong bối cảnh công nghệ 4.0.
Với mức tăng trưởng 25-27%/năm, thương mại điện tử Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử Việt Nam liên tục được rót các khoản tiền khủng từ các quỹ đầu tư quốc tế. Tiêu biểu như tháng 3/2018, Tập đoàn Alibaba đổ thêm 2 tỷ USD vào Lazada để tăng khả năng cạnh tranh. Năm 2018, sàn thương mại điện tử Sendo kêu gọi được 51 triệu USD từ SBI Holdings (Nhật Bản)...
Trong khi đó, Tiki cũng được tập đoàn JD bổ sung vào khoản đầu tư 44 triệu USD đã nhận trong năm 2017. Đến tháng 9/2018, công ty này tiếp tục nhận thêm 122 tỷ đồng từ VNG. Với Shopee Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, cũng được công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore) bổ sung thêm hơn 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ...
Triển vọng tăng trưởng
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện đang có nền tảng vững chắc để phát triển thương mại điện tử. Thống kê cho thấy, Việt Nam nằm trong số 78% các quốc gia trên thế giới có giao dịch điện tử và nằm trong số 38% quốc gia có chính sách bảo vệ người tiêu dùng; 45% quốc gia có chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trong số 75% quốc gia có Luật An ninh mạng…
Việt Nam cũng có hơn 64 triệu người sử dụng internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội, 67% người dùng internet đã từng mua hàng trực tuyến ít nhất 1 lần... Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bằng việc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho thương mại điện tử phát triển nhanh, bền vững trong vài năm tới.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thương mại điện tử bán lẻ sẽ lên tới 13 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 (đạt 10 tỷ USD vào năm 2020).
Trong khi đó, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, dự kiến, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đến năm 2020 còn khả quan hơn, với khoảng 13-15 tỷ USD. Trước đó, Công ty Nielsen Việt Nam cũng dự báo, với sự tăng trưởng lên tới 22%/năm, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt mức 10 tỷ USD đến cuối năm 2020. Trong khi, nghiên cứu của Google và Quỹ đầu tư Temasek công bố tháng 11/2018 khẳng định, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử Việt Nam lên tới 43%, cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Theo nhận định của các chuyên gia, trước những cơ hội và thách thức, có thể thấy một số xu hướng đáng chú ý như sau:
Một là, chưa xứng tầm quy mô và tiềm năng của thương mại điện tử: Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đến nay Việt Nam mới chỉ có khoảng 11% DN tham gia các sàn thương mại điện tử, 35% DN thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Tuy nhiên, dù cơ quan chức năng và các sàn thương mại điện tử lớn đang nỗ lực kéo các DN và cá nhân kinh doanh tham gia hình thức xuất khẩu hàng hóa này, nhưng mới có khoảng 1.000 DN tham gia trên Alibaba và khoảng 200 DN tham gia trên Amazon. Đây là con số quá nhỏ so với hơn 700.000 DN đang hoạt động, trong đó 98% là DNNVV...
Hai là, thương mại qua mạng xã hội tiếp tục phát triển. Với độ “bao phủ” rộng khắp, mạng xã hội đã trở thành một kênh bán hàng và tiếp thị mới giúp DN tiếp cận và tương tác nhanh chóng với số đông người dùng. Trong đó, facebook là nơi mua hàng chủ yếu và cũng là nơi có nhu cầu bán hàng trực tuyến của các cá nhân. Rất dễ dàng để người dùng facebook bán hàng trên trang cá nhân của mình, hoặc tự tạo lập một trang bán hàng riêng mà không phải trả bất cứ một mức phí nào.
Ba là, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi còn nhiều vấn đề nội tại mà các DN nội chưa giải quyết. Hiện nay, các DN nước ngoài đã nhận thấy được những bất cập mà các DN Việt Nam đang mắc phải như: Các hình thức giao hàng, vận chuyển chưa được đồng bộ với mức phí cao, sản phẩm đến tay khách hàng không đúng thực tế, chăm sóc khách hàng sau mua, chưa có những chính sách bán hàng qua thương mại điện tử...
Bốn là, khung khổ pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện để điều chỉnh các hoạt động mới của thương mại điện tử. Hiện nay, nhiều hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý. Người tiêu dùng còn nghi ngại về sản phẩm, thông tin sản phẩm còn đơn điệu, thiếu chi tiết, thiếu sức hấp dẫn cũng như thiếu các công cụ hỗ trợ khách hàng.
Một số đề xuất kiến nghị
Năm 2019-2020 dự báo là thời điểm vàng của thương mại điện tử khi người dân đã rất quen thuộc với hình thức mua sắm trực tuyến và sự phát triển của hệ thống vận chuyển. Tuy nhiên, để thương mại điện tử Việt Nam phát triển tận dụng được những tiềm năng của thương mại điện tử, đóng góp ngày càng nhiều cho tăng trưởng kinh tế, cần chú trọng triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
Về phía cơ quan quản lý
- Nhà nước cần đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho DN, đồng thời, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử. Trong đó, sớm hoàn thiện chính sách thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử, qua đó vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, qua đó góp phần hoàn thiện các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh này.
- Chú trọng phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho thương mại điện tử, xây dựng giải pháp ứng dụng phù hợp cho DN và tổ chức một số hoạt động kích cầu thương mại điện tử cho người tiêu dùng nhằm tăng doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam, giúp DN bắt kịp với xu hướng công nghệ số toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp
- DN phải tối ưu hóa mô hình kinh doanh và tập trung phát triển kỹ năng mới nhằm sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh cũng như có giải pháp để quản lý tài sản trí tuệ khi thương mại điện tử phát triển nhanh trong thời kỳ mới.
- Cần trang bị những kỹ năng về thương mại điện tử, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để có thể thành công. DN cần biết người tiêu dùng có sẵn sàng mua sắm nhiều hay chưa để có chiến lược đầu tư cho phù hợp. Người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sợ mua hàng online vì lo ngại hàng giả, sản phẩm không giống như mong muốn khi nhận được hàng, hoặc là họ muốn nhìn thấy sản phẩm đó khi mà họ được chạm, được thử sản phẩm…
- Đầu tư về mặt cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo thông tin khách hàng và an toàn giao dịch. Hiện nay, bảo mật thông tin cá nhân và an ninh mạng luôn là những vấn đề đặt ra không chỉ đối với các DN thương mại điện tử của Việt Nam mà cả quốc tế. Tuy nhiên, đây là yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của thị trường thương mại điện tử vì nó gắn với niềm tin sử dụng dịch vụ và lợi ích của khách hàng. Do vậy, việc đầu tư nâng cấp công nghệ, hạ tầng phần mềm lẫn phần cứng cần được quan tâm, chú trọng thường xuyên.
Tóm lại, hiện nay thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, phát triển còn mang tính tự phát, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Để khai thác tốt cơ hội mà thương mại điện tử mang lại cần nhiều yếu tố như: Cơ sở hạ tầng công nghệ, kiến thức về thương mại điện tử, nhận thức của cộng đồng về thương mại điện tử và lòng tin của khách hàng khi giao dịch thương mại điện tử, sự bảo mật về thông tin… đây là những vấn đề mà Chính phủ và các DN cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
- Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2019), Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2019;
- Trần Thanh Điện (2013), "Tài liệu hướng dẫn học tập thương mại
điện tử”, Đại học Cần Thơ; - Phạm Thị Thanh Hồng (2005), “Những vấn đề chung về thương mại điện tử, phân tích khả năng thiết lập kênh phân phối qua mạng của các DN vừa và nhỏ và triển vọng của thương mại điện tử ở Việt Nam” – Luận án tiến sĩ kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama Nhật Bản;
- Nguyễn Văn Hồng (2013), Giáo trình thương mại điện tử - Đại học
ngoại thương Hà Nội, NXB Bách khoa – Hà Nội; - Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2016, 2017, 2018 –
Bộ Công Thương.