Siết trách nhiệm quy hoạch

TheoĐỖ THANH NĂM/nhandan.com.vn

Quy hoạch là lĩnh vực có tính phổ quát, bao trùm, quan hệ với nhiều lĩnh vực khác nhau. Công tác quy hoạch đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển một ngành, một lĩnh vực, một quốc gia. Thế nhưng, phải chờ đợi rất nhiều năm, sau rất nhiều hội nghị, diễn đàn, tranh luận; và tất nhiên, nhiều hệ lụy từ việc thiếu luật, thiếu những quy định chặt chẽ, bài bản trong công tác quy hoạch - thì ngày 24/11/2017, Luật Quy hoạch mới được Quốc hội ban hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Luật Quy hoạch ra đời với sáu chương 59 điều, và phần phụ lục có tới 25 luật, bộ luật có liên quan đến quy hoạch được đề nghị sửa đổi, bổ sung. Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV lần này, các đại biểu Quốc hội đang thảo luận, cho ý kiến điều chỉnh tới 13 luật trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch, trong khi đó chỉ còn già nửa năm nữa là thời điểm Luật Quy hoạch chính thức có hiệu lực. Đây là áp lực lớn đối với lập pháp.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thực tế cho thấy so với yêu cầu sửa đổi, bổ sung các luật quy định tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch, đã có nhiều nội dung phát sinh, một số điều, khoản có trong Phụ lục lại chưa được đưa vào dự thảo sửa đổi. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Khá nhiều vấn đề được Cơ quan thẩm tra đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa đổi, đơn cử như nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13: Tại khoản 1 Điều 11 của dự án Luật quy định “Đầu tư xây dựng quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch”; khoản 1 Điều 9 Luật Quy hoạch quy định chi phí cho hoạt động quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Để cụ thể hóa nội dung này, tại khoản 11 Điều 11 của dự án Luật sửa đổi Điều 57 theo hướng quy định rõ vốn chuẩn bị đầu tư, vốn xây dựng quy hoạch, vốn thực hiện dự án và việc cân đối vốn chuẩn bị đầu tư, vốn thực hiện quy hoạch và vốn thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc bổ sung “đầu tư xây dựng quy hoạch” vào lĩnh vực đầu tư công vì không phản ánh đúng mục đích của đầu tư công; cần quy định rõ nguồn vốn xây dựng quy hoạch thuộc vốn đầu tư công, không quy định giao Chính phủ vì sẽ tạo khoảng trống pháp luật về vốn xây dựng quy hoạch.

Ngoài ra, đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công này đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn tới.

Tại các phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, để hoàn thiện và đồng bộ hóa với Luật Quy hoạch, nhiều nội dung cần cân nhắc cả đến những quy định, cơ chế khuyến khích sáng tạo để có những bản quy hoạch chất lượng; đồng thời lại phải có chế tài xử lý rõ ràng trách nhiệm của những người chịu trách nhiệm trong công tác quy hoạch.

Chỉ cần nhìn vào phụ lục danh sách những luật liên quan đến công tác quy hoạch đã thấy độ phủ sóng và tầm quan trọng của quy hoạch ở mức nào. Từ đòi hỏi của thực tiễn, nhiều ý kiến ĐBQH cũng như chuyên gia lĩnh vực quy hoạch cho rằng, Luật Quy hoạch chỉ là luật khung, vì thế việc thảo luận kỹ lưỡng những điều khoản, quy định trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung lần này được kỳ vọng sẽ sớm tạo được sự đồng bộ, để cùng với các văn bản hướng dẫn dưới luật đưa luật thật sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy công tác quy hoạch có những bước đột phá.

Trong nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12, về căn cứ điều chỉnh quy hoạch đô thị (khoản 6 Điều 13), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định việc được điều chỉnh quy hoạch đô thị khi “Có sự biến động về điều kiện khí hậu, địa chất, thủy văn” còn rất chung chung, chưa bảo đảm tính chặt chẽ, có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về nội dung này.