Nhiều giấy phép con "núp bóng" quy hoạch

Theo Chinhphu.vn

Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng không ít quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng “giấy phép con”, gây trở ngại cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thứ trưởng Khánh cho biết quan điểm này khi trả lời phỏng vấn báo chí về dự thảo Luật Quy hoạch, dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tuần tới.

Thứ trưởng cho biết cá nhân ông đã chứng kiến một doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm tại một địa phương, nhưng không được chấp nhận chỉ bởi vì tỉnh quy hoạch trong địa phương chỉ cần… một nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm đó.

Điều đáng nói là, doanh nghiệp trong nước được cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm theo đúng quy hoạch, nhưng 5 - 7 năm sau vẫn chưa xây dựng nhà máy. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật Bản này làm ăn rất nghiêm túc, không được chấp nhận đầu tư họ đã bỏ đi, không chấp nhận “chạy”.

“Thực tế đó cho thấy, quy hoạch sản phẩm không chỉ là một loại giấy phép con, mà còn tạo điều kiện cho tiêu cực, xin - cho trong xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch”, ông Khánh nói.

Theo quan điểm của ông Trần Quốc Khánh, dứt khoát phải chấm dứt quy hoạch sản phẩm. Tình trạng lập quy hoạch quá nhiều, nhưng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Từ “quy hoạch” thường xuyên bị lạm dụng, nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và đưa ra những dự báo, định hướng, chính sách phát triển cũng được lập thành quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực như Quy hoạch Thương nhân xuất khẩu gạo, Quy hoạch Phát triển tổ chức hành nghề công chứng, Quy hoạch Sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương, Quy hoạch Sản xuất thuốc lá và mạng lưới buôn bán thuốc lá…

Hơn nữa, đã có quy hoạch sản phẩm bị sử dụng là bằng chứng bất lợi cho Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước khi xuất khẩu.

“Với cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì việc quy hoạch sản phẩm, trong đó có các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, vốn, đào tạo… dễ bị thị trường nhập khẩu khởi kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp”, ông Khánh cho biết thêm.

Không chỉ có Bộ Công Thương, mà bộ, ngành, địa phương nào cũng lạm dụng từ “quy hoạch”. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2020, số lượng quy hoạch phải lập lên tới 19.285 bản, gấp 6 lần giai đoạn 2001 - 2010 (3.114 bản quy hoạch).

“Cá nhân tôi với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua đã loại bỏ ít nhất 3 quy hoạch sản phẩm do các đơn vị của Bộ Công thương xây dựng, trong đó có Quy hoạch Sản xuất bia, Quy hoạch Sản xuất vùng Đồng bằng sông Hồng”, ông Khánh nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, dự thảo Luật Quy hoạch khi được thông qua về cơ bản sẽ chấp dứt được tình trạng đua nhau làm quy hoạch, sẽ không còn quy hoạch “trên trời” gây lãng phí nguồn lực xã hội, cản trở sự phát triển, gây khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, thực tế đã chứng minh các quy hoạch cụ thể như hồ tiêu, cà phê, cao su hiện nay cơ quan nhà nước không điều hành được, thường xuyên bị phá vỡ. Hay các quy hoạch karaoke, thép, nhà máy đường... thường xuyên phải điều chỉnh, vì có doanh nghiệp xin và thường cũng sẽ... cho. Ông Các nhấn mạnh: cần thay đổi tư duy, Nhà nước cần làm tốt việc cung cấp thông tin về thị trường, đưa khuyến cáo.

Chỗ nào cần phát triển thì xây dựng đề án phát triển, lĩnh vực nào cần quản lý thì đưa các tiêu chuẩn, điều kiện để quản lý, thậm chí điều kiện để được làm, như điều kiện chất lượng, hàm lượng, diện tích... Như vậy là công khai, doanh nghiệp biết phải đủ điều kiện gì họ sẽ được làm.

Cũng theo ông Các, các bộ, ngành, với các nhân viên hành chính, không thể chắc chắn hiểu thị trường tốt hơn doanh nghiệp để rồi ấn định trong 5 - 10 năm chỉ nên xây bao nhiêu nhà máy được.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, chủ một doanh nghiệp lớn kinh doanh gas tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, nói đến quy hoạch trong lĩnh vực này thực chất là “một cuộc chiến chạy chọt”. Ví như ở TP. Hồ Chí Minh, việc sang nhượng giấy phép cửa hàng bán gas có giá lên đến cả trăm triệu đồng 1 giấy phép.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, cần phải có giải pháp khống chế để bảo đảm rằng các quy hoạch ngành, quy hoạch của địa phương không ảnh hưởng đến việc đăng ký doanh nghiệp, nếu không đây sẽ là một hạn chế rất lớn. Thực tế, đã có những tình huống như doanh nghiệp muốn mở khách sạn nhưng địa phương nói quy hoạch chỉ có 10 khách sạn thôi, không thể có thêm được nữa.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, các quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể là phi thị trường, bởi sản xuất cái gì, bao nhiêu là do thị trường quyết định chứ không phải là các bản quy hoạch khô cứng.