Singapore tài trợ 9,2 tỷ USD cho dự án xanh của Indonesia
Số tiền này sẽ tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo ở Batam, đảo Sumba, Tây Manggarai ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, cũng như phát triển một trung tâm hậu cần cảng Tanjung Priok của Jakarta, cảng biển lớn nhất quốc gia này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 25/1 cho biết, Singapore sẽ tài trợ 9,2 tỷ USD để đầu tư dự án năng lượng tái tạo và xây dựng một trung tâm hậu cần tại cảng Tanjung Priok, Jakarta.
Ông phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lý Hiển Long tại đảo Bintan: "Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tiếp tục là ưu tiên của Chính phủ Indonesia nhằm thúc đẩy phát triển xanh và bền vững".
Hai nhà lãnh đạo cũng hy vọng sẽ tăng cường hợp tác trong việc cung cấp năng lượng carbon thấp, thông qua việc tạo thuận lợi cho thương mại điện xuyên biên giới và tài trợ cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Vào ngày 25/1, sự hợp tác đã được chính thức hóa thông qua việc ký một Biên bản Ghi nhớ (MOU) về Quan hệ Đối tác song phương về Phát triển Kinh tế Xanh và Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Năng lượng.
Theo ông Widodo, Singapore là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Indonesia, đã chi 7,3 tỷ USD trong giai đoạn từ từ tháng 1 đến tháng 9/2021.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho biết: "Singapore đã liên tục là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Indonesia kể từ năm 2014. Bất chấp đại dịch, các khoản đầu tư nước ngoài của chúng tôi đã tăng lên”. Ông đánh giá khu công nghiệp Kendal tại Indonesia đã thu hút được 1,6 tỷ USD vốn đầu tư và sẽ tạo ra "hàng nghìn việc làm".
Indonesia đã và đang mở rộng các kế hoạch năng lượng xanh vì nước này coi năng lượng tái tạo là động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trong khi đó, Singapore, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt để sản xuất điện đã lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 30% điện năng từ nhiên liệu carbon thấp ở nhà máy năng lượng tái tạo vào năm 2035 và Indonesia là một trong những nhà cung cấp tiềm năng.
Hồi tháng 10 năm ngoái, các công ty của Singapore đã ký hai thỏa thuận phát triển chung (JDA) để mua năng lượng mặt trời từ Indonesia. Thỏa thuận đầu tiên được ký kết giữa tập đoàn Sembcorp (Singapore) với công ty PT PLN Batam và nhà phát triển năng lượng tái tạo PT Trisurya Mitra Bersama (Suryagen).
Sembcorp sẽ đầu tư trong một dự án tích hợp năng lượng và năng lượng mặt trời quy mô lớn ở các đảo Batam, Bintan và Karimun.
Dự án có thể đạt khoảng 1 gigawatt-đỉnh (GWp) năng sản xuất điện năng lượng mặt trời và xây dựng một hệ thống lưu trữ năng lượng để quản lý khả năng gián đoạn cho việc triển khai và xuất khẩu năng lượng sạch.
Bản thỏa thuận thứ 2 được ký kết bởi công ty phát điện và bán lẻ điện PacificLight Power (PLP) có trụ sở tại Singapore và một tập đoàn bao gồm nhà sản xuất điện độc lập Medco Power Indonesia và công ty điện lực Gallant Venture, một phần của tập đoàn Salim. Trong đó, dự án sẽ lập kế hoạch nhập khẩu điện mặt trời thử nghiệm 100 megawatt từ Indonesia đến Singapore.