Sơ bộ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2013
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 10/2013 đạt mức kỷ lục từ trước tới nay là 25,12 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu đạt 12,61 tỷ USD, tăng 12,8% và nhập khẩu là 12,51 tỷ USD, tăng 11%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 10 của Việt Nam có mức thặng dư hơn 100 triệu USD.
Biểu đồ 1: Tổng trị giá xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) từ tháng 1/2012 đến tháng 10/2013
Nguồn: Tổng cục Hải quan
|
Đối với khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp trong nước), tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu trong 10 tháng/2013 đạt gần 89 tỷ USD, tăng gần 3% và chiếm gần 41% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam; trong đó, xuất khẩu đạt 42,01 tỷ USD, tăng nhẹ 0,6% và nhập khẩu là 46,93 tỷ USD, tăng 5,2% so với kết quả thực hiện trong 10 tháng năm 2012.
Một số nhóm hàng xuất khẩu chính
Điện thoại các loại và linh kiện: Xuất khẩu trong tháng lần đầu tiên đạt con số 2,42 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng lên 17,94 tỷ USD, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm 2012.
Liên minh châu Âu (EU)[2] là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện xuất xứ từ Việt Nam với trị giá 7 tỷ USD, tăng 58% và chiếm 39% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là các thị trường: Các Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất: 2,96 tỷ USD, tăng gấp gần 2 lần; Ấn Độ: 832 triệu USD, tăng 106%; Hồng Kông: 752 triệu USD, tăng 75%... so với cùng kỳ năm 2012.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trong tháng 10/2013, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện và linh kiện đạt mức kỷ lục từ trước tới nay với kim ngạch đạt 1,04 tỷ USD, tăng 12,2% so với tháng trước. Qua đó, nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 10/2013 đạt 8,74 tỷ, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong 10 tháng qua, EU chính thức vượt Trung Quốc trở thành đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam. Cụ thể, xuất sang EU đạt 1,94 tỷ USD, tăng tới 73,7%; xuất sang Trung Quốc đạt 1,8 tỷ USD, tăng 22,9%; xuất sang Hoa Kỳ đạt 1,16 tỷ USD, tăng 63,2%; xuất sang Malaysia đạt 995 triệu USD, tăng 42,5%. Tính chung trị giá máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu sang 4 thị trường này đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Biểu đồ 2: Thị trường chính nhập khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam trong 10 tháng/2012 và 10 tháng/2013
Nguồn: Tổng cục Hải quan
|
Giày dép các loại: Sau khi giảm sâu ở tháng trước, trị giá xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 10/2013 đạt mức cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 717 triệu USD, tăng 30,5% so với tháng 9. Tính đến hết tháng 10/2013, xuất khẩu nhóm hàng giày dép đạt gần 7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, thị trường EU và Hoa Kỳ là 2 thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam với kim ngạch và tốc độ tăng lần lượt là 2,3 tỷ USD (tăng 10,9%) và 2,14 tỷ USD (tăng 17,3%). Tính chung trị giá giầy dép xuất khẩu sang 2 thị trường chính đạt 4,44 tỷ USD, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Dầu thô: Lượng xuất khẩu dầu thô trong tháng là 737 nghìn tấn, tăng 45,8% so với tháng 9/2013 với trị giá là 661 triệu USD, tăng 42,6%. Tính đến hết tháng 10/2013, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước là 6,94 triệu tấn, giảm 10,8%, kim ngạch đạt gần 6 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Dầu thô của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản: 1,92 triệu tấn, giảm 15,5%; sang Australia: 1,44 triệu tấn, tăng 6,6%; sang Malaysia: 971 nghìn tấn, tăng 0,8%; sang Hàn Quốc: 691 nghìn tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Trong tháng 10/2013, xuất khẩu đạt 576 triệu USD, tăng 14%, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng năm 2013 lên 4,94 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Tính đến hết tháng 10/2013, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Nhật Bản là 994 triệu USD, giảm 2,8%; sang Hoa Kỳ: 821 triệu USD, tăng 1,1%; sang EU: 598 triệu USD, tăng 8,4%; sang thị trường Hồng Kông: 301 triệu USD, tăng 16,1%; sang Trung Quốc: 299 triệu USD, tăng 4,4%… so với cùng kỳ năm trước.
Thủy sản: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng đạt 771 triệu USD, tăng 20,3% so với tháng trước, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng lên 5,43 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong 10 tháng/2013, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu sang các thị trường sau: Hoa Kỳ đạt 1,19 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước; EU: 947 triệu USD, giảm 0,6%; Nhật Bản: 904 triệu USD, tăng nhẹ 0,9%; Hàn Quốc: 388 triệu USD, giảm 6,1%...
Gỗ và sản phẩm gỗ: Xuất khẩu trong tháng gần 521 triệu USD, tăng 15,5% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng/2013 lên 4,38 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong 10 tháng năm 2013, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất sang Hoa Kỳ đạt 1,6 tỷ USD, tăng 9,3%; sang Trung Quốc: 797 triệu USD, tăng 33,4%; sang Nhật Bản: 662 triệu USD, tăng 22%; sang thị trường EU: 480 triệu USD, giảm 3,9%… so với cùng kỳ năm 2012.
Cao su: Tháng 10/2013, lượng xuất khẩu cao su là gần 111 nghìn tấn, trị giá là 246 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 7,4% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10/2013, tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước là gần 835 nghìn tấn, tăng nhẹ 2,4%; trị giá đạt 1,96 tỷ USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 10 tháng qua với gần 376 nghìn tấn, giảm 3% và chiếm gần 45% lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Tiếp theo là Malaysia: 176 nghìn tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2012…
Gạo: Trong tháng 10/2013, cả nước xuất khẩu 543 nghìn tấn, tăng 17,9%, trị giá đạt gần 243 triệu USD, tăng 17,5% so với tháng trước. Tính đến hết 10 tháng/2013, lượng xuất khẩu nhóm hàng này là 5,85 triệu tấn, giảm 15,2% và trị giá đạt 2,57 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng năm 2013, Việt Nam xuất khẩu gạo chủ yếu sang các thị trường: Trung Quốc: 1,93 triệu tấn, tăng 5,1%; Bờ biển Ngà: 537 nghìn tấn, tăng 12,8%; Malaysia: 401 nghìn tấn, giảm 40,2%; Philippin: 362 nghìn tấn, giảm 67%; Ghana: 334 nghìn tấn, tăng 23,6%… so với cùng kỳ năm 2012.
Hạt điều: Trong tháng 10/2013, cả nước xuất khẩu 25,1 nghìn tấn hạt điều với trị giá là 152 triệu USD, tăng 7,3% về lượng và 5,4% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 10 tháng/2013, lượng xuất khẩu mặt hàng này là hơn 214 nghìn tấn, tăng 16,7% và trị giá đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối tác chính nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam với lượng nhập khẩu trong 10 tháng qua lần lượt là 67 nghìn tấn, tăng 31,3% và 41 nghìn tấn, tăng 11,9%. Như vậy, tổng lượng hạt điều Việt Nam xuất khẩu vào 2 thị trường này chiếm tới 50,1% lượng điều xuất khẩu của cả nước trong thời gian này.
Than đá: Tiếp tục đà tăng mạnh trong tháng trước, tháng 10/2013 lượng xuất khẩu than đá là hơn 1 triệu tấn, tăng 34,9%, trị giá đạt 73 triệu USD, tăng 23,2% so với tháng 9. Tuy nhiên, trong 10 tháng/2013, tổng lượng than xuất khẩu của cả nước là hơn 10 triệu tấn, giảm 14,5% và đơn giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng này cũng giảm 14,8% nên kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chỉ đạt gần 722 triệu USD, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhập khẩu than đá của Việt Nam với 7,64 triệu tấn, giảm 16,2% và chiếm gần 76% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản: 987 nghìn tấn, tăng 10,1% và Hàn Quốc: 905 nghìn tấn, giảm 7,7%…
Một số nhóm hàng nhập khẩu chính
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,71 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu trong 10 tháng/2013 lên 14,92 tỷ USD, tăng 39,7%; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 13,79 tỷ USD, tăng 45,5% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là 1,14 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 4,43 tỷ USD, tăng mạnh 66,3%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 3,72 tỷ USD, tăng 38,9%; Singapore: 1,74 tỷ USD, gấp 2,1 lần; Nhật Bản: 1,45 tỷ USD, tăng 4,7%… so với cùng kỳ năm 2012.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là 1,79 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 12,7% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu trong 10 tháng lên 15,1 tỷ USD, tăng 13,3%; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 8,63 tỷ USD, tăng 21,6% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 6,51 tỷ USD, tăng 4% so với 10 tháng/2012.
Trong 10 tháng qua, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc đạt 5,29 tỷ USD, tăng 23,5%; Nhật Bản: 2,4 tỷ USD, giảm 16,8%; Hàn Quốc: 2,31 tỷ USD, tăng mạnh 63,4%; Đài Loan: 752 triệu USD, tăng 2,2%…
Điện thoại các loại và linh kiện: Trong tháng 10/2013, cả nước đã nhập khẩu gần 799 triệu USD nhóm hàng này, giảm 16,3% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng/2013 lên 6,92 tỷ USD, tăng 74,3% về số tương đối và tăng 2,95 tỷ USD về số tuyệt đối; trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 4,87 tỷ USD, tăng 80,4%; Hàn Quốc: 1,92 tỷ USD, tăng 90,7%.
Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu xăng dầu trong tháng 10 tăng trở lại sau khi giảm sâu trong tháng trước, đạt 673 nghìn tấn, trị giá gần 656 triệu USD, tăng 35,5% về lượng và tăng 38,2% về trị giá so với tháng 9/2013. Tuy tăng mạnh nhưng lượng nhập khẩu xăng dầu trong tháng vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của năm 2012 (767 nghìn tấn/tháng).
Tính đến hết tháng 10/2013, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là gần 6,15 triệu tấn, giảm 22,6%. Đơn giá nhập khẩu bình quân của nhóm hàng này giảm 3,2% nên trị giá nhập khẩu đạt 5,8 tỷ USD, giảm 25,1% về số tương đối và giảm 1,94 tỷ USD về số tuyệt đối, trong đó phần trị giá giảm do yếu tố lượng giảm là 1,75 tỷ USD và giảm do yếu tố giá giảm là 192 triệu USD.
Lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong 10 tháng qua giảm mạnh, chủ yếu là giảm nhập khẩu từ thị trường chính Singapore với lượng nhập khẩu là 1,82 triệu tấn, giảm 45,8%. Lượng nhập khẩu từ một số thị trường khác như: Đài Loan: 1,07 triệu tấn, giảm 3,6%; Trung Quốc: 1,03 triệu tấn, giảm 4,3%; Cô Oét: 603 nghìn tấn, tăng 19,2%; Malaysia: 473 nghìn tấn, tăng 98,8%...
Nguyên vật liệu ngành dệt may, da, giày: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,43 tỷ USD, tăng 20,7% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10/2013, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 12,21 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Trị giá nhập khẩu vải: gần 6,86 tỷ USD, tăng 19,3%; nguyên phụ liệu: 3,09 tỷ USD, tăng 18,7%; xơ, sợi: 1,26 tỷ USD, tăng 8,3%; bông: hơn 1 tỷ USD, tăng 36,7%.
Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ các thị trường thuộc châu Á như: Trung Quốc: 4,53 tỷ USD, tăng 27,6%; Hàn Quốc: 2,13 tỷ USD, tăng 18,8%; Đài Loan: 1,75 tỷ USD, tăng 8,5%; Nhật Bản: 660 triệu USD, giảm 4,5%...
Sắt thép các loại: Lượng nhập khẩu sắt thép trong tháng đạt 917 nghìn tấn, tăng 16,9%; trị giá là 622 triệu USD, tăng 17,6%. Tính đến hết tháng 10/2013, tổng lượng nhập khẩu sắt thép của cả nước là 7,98 triệu tấn, trị giá là 5,64 tỷ USD, tăng 26,1% về lượng và tăng 12,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 10 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc: 3,02 triệu tấn, tăng 58,1%; Nhật Bản: 2,16 triệu tấn, tăng 25,4%; Hàn Quốc: 1,16 triệu tấn, giảm 7,5%; Đài Loan: 797 nghìn tấn, tăng 23,8%... so với 10 tháng/2012.
Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Sau khi nhập khẩu ổn định ở mức hơn 300 triệu USD trong tháng 8 và 9, trị giá nhập khẩu trong tháng 10/2013 chỉ đạt 256 triệu USD, giảm 15,3% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10/2013, cả nước nhập khẩu 2,63 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 33,3%; trong đó trị giá nhập khẩu khô dầu đậu tương là 1,47 tỷ USD, tăng 47,8% so với 10 tháng/2012.
Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 10 tháng qua chủ yếu từ các thị trường: Achentina: 902 triệu USD, tăng 63,4%; Hoa Kỳ: 320 triệu USD, tăng 49,3%; Ấn Độ: 290 triệu USD, tăng 33%; Brazil: 223 triệu USD, tăng 57,1%; Italia: 175 triệu USD, tăng 33,1%… so với cùng kỳ năm 2012.
Phế liệu sắt thép: Trong tháng 10/2013, cả nước nhập khẩu hơn 304 nghìn tấn, trị giá là gần 111 triệu USD, tăng 24,8% về lượng và tăng 25,4% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 10 tháng/2013, cả nước nhập khẩu gần 2,78 triệu tấn với trị giá 1,08 tỷ USD, tăng 0,6% về lượng và giảm 11,2% về trị giá so với 10 tháng/2012.
Các thị trường chính xuất khẩu phế liệu sắt thép cho Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ: gần 428 nghìn tấn, tăng 11,7%; Nhật Bản: 378 nghìn tấn, gấp 2,1 lần; Australia: 351 nghìn tấn, giảm 21,6%… so với cùng kỳ năm 2012.
Chất dẻo nguyên liệu: Lượng nhập khẩu trong tháng 10/2013 là gần 284 nghìn tấn, trị giá là 527 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10/2013, tổng lượng nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu của Việt Nam là 2,58 triệu tấn, tăng 13,5%, kim ngạch nhập khẩu là 4,73 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ các thị trường: Ả rập Xê út: 581 nghìn tấn, tăng 22,4%; Hàn Quốc: 525 nghìn tấn, tăng 22,4%; Đài Loan: 370 nghìn tấn, tăng 15,7%; Thái Lan: 249 nghìn tấn, giảm nhẹ 0,1%… so với cùng kỳ năm 2012.
Phân bón các loại: Lượng phân bón các loại nhập khẩu trong tháng là gần 477 nghìn tấn, trị giá là 162 triệu USD, tăng 7,6% về lượng và tăng 17,5% về trị giá so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2013, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 3,87 triệu tấn, tăng 18,3%; trong đó lượng nhập khẩu phân SA là 926 nghìn tấn, giảm 1,6%; phân Kali: 811 nghìn tấn, tăng 15,6%; phân DAP: 769 nghìn tấn, tăng 29,6%; phân Ure: 682 nghìn tấn, tăng 51,9%; phân NPK: 391 nghìn tấn, tăng 40,3% và phân bón loại khác là 286 nghìn tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong 10 tháng/2013 với 2,06 triệu tấn, tăng 16,1% và chiếm 53,4% tổng lượng phân bón cả nước nhập về; tiếp theo là Philippin: 268 nghìn tấn, tăng 1,1%; Nhật Bản: 241 nghìn tấn, tăng nhẹ 1,3%; Belarus: 226 nghìn tấn, giảm 17%;… so với cùng kỳ năm 2012.
Ô tô nguyên chiếc: Lượng xe nguyên chiếc nhập về trong tháng là gần 3,7 nghìn chiếc, ở mức cao nhất kể từ đầu năm, trị giá gần 77 triệu USD, tăng 7,6% về lượng và tăng 5,3% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 10 tháng/2013, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập về là gần 28,9 nghìn chiếc, tăng 33,3%, trị giá là 570 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2012.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam với 12,32 nghìn chiếc, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 42,7% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước; tiếp theo là Thái Lan: 6,5 nghìn chiếc, tăng 61,2%; Trung Quốc: 3,17 nghìn chiếc, giảm 5,1%; Nhật Bản: 1,84 nghìn chiếc, tăng 81,5%…
[1] Không tính dầu thô xuất khẩu.
[2] EU (27): Trong bản báo cáo này, Liên minh châu Âu (EU) vẫn được tính là 27 nước thành viên để đảm bảo tính so sánh với cùng kỳ các năm trước.