Sở Giao dịch hàng hóa: Rộng cửa cho cả doanh nghiệp nội, ngoại
Từ ngày 1/6, khi Nghị định số 51/2018/NĐ-CP có hiệu lực, những mặt hàng không thuộc diện kinh doanh có điều kiện sẽ được mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa mà không cần xin phép Bộ Công thương như trước.
Mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài
Bộ Công thương vừa tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết Bộ đã cấp phép thành lập 2 Sở Giao dịch hàng hóa, tuy nhiên hoạt động mua bán ảm đạm, mặt hàng chưa phong phú, đa dạng và không thu hút nhà đầu tư tham gia, nên tính thanh khoản trên thị trường thấp.
Ông An cho rằng những hạn chế của hành lang pháp lý là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nêu trên. Ví dụ, điều kiện thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Nghị định số 158/2006/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn như Giám đốc phải có bằng đại học và ít nhất 5 năm công tác trong lĩnh vực kinh tế - tài chính… Nghị định số 158/2006/NĐ-CP cũng chưa quy định về nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại nước ngoài.
Những hạn chế nói trên đã được khắc phục trong Nghị định 51. Đặc biệt, văn bản mới này được Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá là bước tiến quan trọng, xóa bỏ cơ chế xin - cho của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
“Trước đây, những mặt hàng như cà phê, bông, thép... doanh nghiệp muốn đưa lên Sàn Giao dịch hàng hóa phải xin phép Bộ Công thương, có những mặt hàng 3 - 4 tháng vẫn không được cấp phép.
Đến nay, Nghị định 51 đã giảm thiểu toàn bộ những thủ tục đó và quy định rõ, những mặt hàng nhà nước không cấm, những mặt hàng không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, thì doanh nghiệp được giao dịch trên sàn hàng hóa mà không cần xin phép bộ, ngành nào” - ông An nhấn mạnh. Thay vào đó, Sở Giao dịch hàng hóa có trách nhiệm gửi một bộ hồ sơ thông báo với Bộ Công thương trước khi chính thức niêm yết giao dịch 30 ngày.
Liên thông sàn giao dịch trong và ngoài nước
Đặc biệt, Nghị định 51 cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam và mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ. Quy định này được coi là giải pháp tích cực vì sẽ thu hút được nguồn lực mới.
Bên cạnh đó, thương nhân Việt Nam cũng được tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa nước ngoài. Do quy mô thị trường Việt Nam tương đối nhỏ nên việc hình thành riêng Sở Giao dịch cho hàng hóa tại Việt Nam không phải lựa chọn tối ưu.
Hơn nữa, các mặt hàng giao dịch qua sở đều có tính liên thông với thị trường thế giới rất lớn như cà phê, gạo, cao su... Do đó, việc mở cửa cho phép thương nhân Việt Nam mua bán hàng hóa qua sở giao dịch tại nước ngoài là điều cần thiết.
Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam Nguyễn Viết Vinh nhìn nhận sự liên thông giữa Sở Giao dịch hàng hóa trong và ngoài nước là bước đột phá, vì doanh nghiệp được mở rộng kinh doanh, không bị hạn chế như trước.
Chẳng hạn, cà phê, hồ tiêu là thế mạnh của Việt Nam nhưng Nghị định số 158/2006/NĐ-CP không cho phép mở rộng thị trường sang nhiều nước mà chủ yếu “quanh quẩn” thị trường trong nước. Hiện nay 2 mặt hàng này đã lan ra các sàn giao dịch như Chicago (Mỹ), London (Anh) để tiêu thụ.
Đặc biệt, thông qua các Sở Giao dịch này, hàng hóa không bị thương lái ép giá nên không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp mà còn đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, vì họ sẽ được bảo hiểm giá và có thể lên thẳng sàn, bán sản phẩm ra nước ngoài.
Tuy nhiên, các sàn giao dịch phải “tự thân vận động” thêm, theo đó xây dựng cơ sở vật chất; truyền thông sâu rộng hơn, vì số sàn giao dịch hàng hóa còn rất ít; đặc biệt, phải có sự kết nối giữa sàn giao dịch với các hiệp hội và hộ sản xuất kinh doanh.