Số hóa ngân hàng chưa thay được truyền thống

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Chỉ một cú nhấp chuột hay vài thao tác trên điện thoại di động, mọi giao dịch ngân hàng đã hoàn tất. Tuy nhiên, những ứng dụng này chưa đủ sức thay thế các kênh giao dịch truyền thống.

Hơn 60% người dân đang sống ở nông thôn và chỉ 21% trong đó có tài khoản thanh toán, cho nên, họ vẫn cần đến kênh giao dịch truyền thống để kết nối với ngân hàng. Nguồn: internet
Hơn 60% người dân đang sống ở nông thôn và chỉ 21% trong đó có tài khoản thanh toán, cho nên, họ vẫn cần đến kênh giao dịch truyền thống để kết nối với ngân hàng. Nguồn: internet

Các kênh giao dịch hiện đại dường như đang chiếm ưu thế về độ tiện lợi, đặc biệt trong thời đại công nghệ số hóa, nhưng vẫn không ngăn được cuộc đua về mở rộng mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng.

Chạy đua giao dịch điện tử

Lợi thế về tiết kiệm chi phí quản lý và chi phí giao dịch, dịch vụ tài chính số có khả năng “phủ sóng” xa hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn cách mở rộng hệ thống điểm giao dịch truyền thống của ngân hàng hiện nay. Vì vậy, các ngân hàng đẩy mạnh phát triển các kênh giao dịch bằng công nghệ.

Dẫn đầu có thể kể đến TPBank là Ngân hàng “sinh sau, đẻ muộn” nên để phát triển hệ thống mạng lưới giao dịch truyền thống cạnh tranh được với các “đàn anh” vô cùng khó, chưa kể với quy mô là ngân hàng mới, TPBank chỉ mở không quá 5 chi nhánh/năm. Như vậy, muốn đạt 100 chi nhánh như quy mô của một ngân hàng trung bình tại Việt Nam, TPBank cần đến 20 năm. 

Lý giải về áp lực buộc ngân hàng này phải tìm kiếm con đường phát triển thông qua công nghệ, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc của TPBank, cho biết: “Đợi đến 20 năm chúng tôi cũng không thể đuổi kịp, bởi vì lúc đó không biết các ngân hàng khác đã đi tới đâu rồi. 

Trong khi đó, chi phí cho một giao dịch điện tử chỉ bằng khoảng 1/10 so với chi phí cho một giao dịch truyền thống tương tự. Vì vậy, không có lý do gì mà TPBank không chọn cho mình một hướng đi riêng”.
Trong khi đó, các ngân hàng khác cũng không ngừng nâng cấp công nghệ core banking cũ sang mới như: ACB, Vietcombank, Techcombank, BIDV, OceanBank… để bắt kịp xu hướng giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng này, kênh giao dịch hiện đại mới vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế được kênh giao dịch truyền thống vì chỉ cho phép khách hàng thực hiện những giao dịch đơn giản. Do đó, khi cần chuyển một số tiền lớn, hay thực hiện các giao dịch phức tạp, khách hàng vẫn phải đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. 

Mặt khác, do trình độ dân trí còn thấp, ngoại trừ tại các thành phố lớn, người dân Việt Nam vẫn còn xa lạ với khái niệm ngân hàng trực tuyến, hoặc lóng ngóng trong việc sử dụng ATM, nên vẫn thường lựa chọn đến thực hiện trực tiếp tại các điểm giao dịch.

“Với hơn 60% người dân đang sống ở nông thôn và chỉ 21% trong đó có tài khoản thanh toán. Cho nên, họ vẫn cần đến kênh giao dịch truyền thống để kết nối với ngân hàng”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết.

Thực tế hoạt động tại TPBank cho thấy 2/3 lượng giao dịch xuất phát từ kênh điện tử, còn 1/3 đến từ kênh truyền thống – tức quầy giao dịch. Nhưng không phải ngân hàng nào cũng đạt được con số ấn tượng này.

Do đó, để cân bằng và đáp ứng những nhu cầu này, các ngân hàng cần phải có chiến lược phát triển mạng lưới một cách đồng bộ và song song các kênh giao dịch cả trực tiếp lẫn điện tử.

Chất lượng kênh truyền thống

Trên thực tế, thời gian qua, các ngân hàng thương mại không ngừng mở rộng mạng lưới giao dịch. Thậm chí trong vòng một năm có ngân hàng thành lập thêm hàng chục phòng giao dịch giúp người dân dễ dàng giao dịch hơn.

Ngày 6/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho BIDV được thành lập thêm 39 phòng giao dịch, nâng tổng số mạng lưới của ngân hàng này lên hơn 1.000 chi nhánh, phòng giao dịch. Trong năm nay, Vietcombank cũng thành lập thêm 5 chi nhánh và 39 phòng giao dịch trên toàn quốc, nâng tổng số mạng lưới giao dịch lên hơn 500 chi nhánh…

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2017, Maritime Bank cũng đã được NHNN chấp thuận mở mới thêm 13 chi nhánh trên nhiều tỉnh thành và được chuyển đổi 51 quỹ tiết kiệm lên thành phòng giao dịch. Tính đến thời điểm hiện nay, Maritime Bank đã có trong tay 270 chi nhánh và gần 500 cây ATM trên cả nước.

Trong khi đó, mạng lưới giao dịch hiện nay của LienVietPostBank dẫn đầu với hơn 130 chi nhánh, phòng giao dịch khắp 63 tỉnh thành và hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch thông qua các bưu cục và điểm văn hóa xã có mặt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chia sẻ về điều này, đại diện lãnh đạo Maritime Bank cho biết: “Mở rộng mạng lưới là một trong các chiến lược trọng tâm của chúng tôi để mang đến sự thuận tiện hơn cho khách hàng. Ngoài kênh giao dịch truyền thống như chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng còn chú trọng đến việc phát triển các kênh ngân hàng điện tử như: internet banking, mobile banking… để khách hàng có thể giao dịch bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu”.

Có thể thấy việc mở rộng mạng lưới để đến gần hơn với khách hàng là hướng đi của rất nhiều ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, để mở được một chi nhánh mới là điều không dễ dàng. 

Theo NHNN, một ngân hàng muốn thành lập chi nhánh, phòng giao dịch mới phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe như: tỷ lệ nợ xấu không vượt mức quy định, đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, năng lực tài chính tốt… Quy định như vậy là để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng của hệ thống thay vì chạy đua theo số lượng. 

Do đó, một khi được cấp phép mở mới chi nhánh, phòng giao dịch cũng được xem là một dấu hiệu tích cực về “tình hình sức khỏe”, sự ổn định hoạt động của các ngân hàng.