Phát triển kinh tế theo đặc trưng vùng miền
Các thể chế, chính quyền, qua các thời đại, khi chia tỉnh, lập trấn không chỉ căn cứ đơn thuần vào các yếu tố hành chính, mà còn xem xét thêm tới các đặc trưng kinh tế, văn hóa, tập tục của mỗi địa phương, vùng miền. Nên các tỉnh vừa giống nhau về hành chính, song lại có những đặc điểm riêng về kinh tế kể cả ưu thế lẫn khó khăn cản trở, cần đến những cách thức riêng để tháo gỡ khai thác mà vượt lên.
Vùng duyên hải miền Trung có đặc trưng kinh tế biển, tiềm năng khai thác du lịch với những địa danh nổi tiếng hấp dẫn du khách như cố đô Huế, phố cổ Hội An tháp Mỹ Sơn, đất Tây Sơn, nhiều cảng biển đẹp, cửa ngõ giao thương, nhưng mới khai thác lợi ích kinh tế được phần nào, chưa vươn ra biển mà nhiều việc còn quay lưng với biển. Miền Trung như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước vẫn là dải đất nghèo và nhiều khó khăn thách thức.
Muốn khắc phục và vượt lên, cùng với quyết tâm cao của mỗi tỉnh, thành phố, rất cần sự liên kết, phân công hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng và sự quan tâm cụ thể, phù hợp của Đảng, Nhà nước đối với vùng miền này. Để biến hạn chế thành thế mạnh, các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung phải bắt tay nhau đoàn kết, mở rộng biên độ liên kết, nỗ lực vượt qua rào cản địa lý, không gian, tạo thành một thể thống nhất để phát huy tối đa lợi thế.
Như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tôi tin rằng các tỉnh miền Trung sẽ có bước phát triển toàn diện hơn nữa, cao hơn nữa, tốc độ nhanh hơn nữa, góp phần cùng cả nước phát triển mạnh mẽ. Năm nay là năm con gà mà gà luôn cất tiếng gáy từ lúc bình minh, các tỉnh miền Trung phải thức dậy sớm hơn để phát triển mạnh mẽ hơn.
Muốn như vậy, lãnh đạo các địa phương cần tăng tính liên kết nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Chẳng hạn trong phát triển du lịch, Bộ chính trị đã có nghị quyết đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, trong đó trọng điểm du lịch là Thừa Thiên – huế. Để Huế trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới thì Thừa Thiên – Huế cần phải có sự kết nối với các tỉnh thành phố liền kề. Các địa phương cùng nhau hình thành một không gian phát triển du lịch thống nhất, tương trợ để cùng nhau phát triển”.
Một số chuyên gia kinh tế đã có sự liên hệ rất đúng, rằng liên kết vùng là chủ đề thời sự không chỉ với nước ta mà cả trên thế giới. Không thể phát triển kinh tế khi không gian kinh tế chia cắt. Muốn có được lợi ích chung của các tỉnh thành trong một vùng miền cũng như cả nước thì tiềm năng lợi thế của từng địa phương vừa phải được tôn trọng phát huy, vừa phải góp vào để tạo nên lợi ích chung của cả vùng.
Trong sự liên kết này vai trò của chính quyền, của nhân dân là rất lớn, nhưng động lực chính là các doanh nghiệp. Phải có các chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng phải góp phần vào kinh tế vùng miền.
Riêng với miền Trung phải khắc phục được tình trạng đang thiếu vắng doanh nghiệp đầu đàn, các doanh nghiệp còn thiếu sự liên kết, còn đòi hỏi quá nhiều ở cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cần nhận thức rằng trên con đường phát triển kinh tế cho miền Trung, chính quyền chỉ có thể tạo lập đường ray, còn động lực đưa nền kinh tế chạy chính là doanh nghiệp.
Đối với đồng bằng sông Cửu Long, sau nhiều năm khai thác lợi thế phù sa, khí hậu yên lành, có bước phát triển vượt bậc trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, chiếm 54% sản lượng lúa của cả nước, 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 37% sản lượng trái cây, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu tôm, 100% kim ngạch xuất khẩu cá tra, 1 tỷ USD xuất khẩu trái cây, đảm bảo kinh tế cho 18 triệu dân trong vùng và đóng góp lớn cho đất nước.
Đã đến lúc đồng bằng sông Cửu Long bị hạn chế khả năng trồng lúa trước biến đổi khí hậu, nước dâng cao, đê ngăn, đập thủy điện dọc sông Mê kông làm giảm phù sa, nhiều nơi ngập mặn. Bắt buộc phải tìm cách đối phó trước một thực tế nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn dễ làm, trù phú như trước nữa, nên phải mở rộng sự liên kết các tỉnh trong vùng, liên kết với vùng thành phố Hồ Chí Minh và cả tiểu vùng sông Mê kông, phải có cách thức mới trong quản lý tài nguyên nước. Phải chuyển đổi canh tác theo hướng kết hợp giữa lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị bàn kế sách phát triển bền vững đông bằng sông Cửu Long: Những gì mà vùng đất này đang đối mặt không chỉ là nguy cơ mà cả thách thức, phải biến thách thức thành thời cơ, giữ vị thế là vùng đất trù phú của đất nước.
Theo ý kiến của những chuyên gia kinh tế từng nhiều năm gắn bó sự nghiệp nghiên cứu khoa học với đồng bằng sông Cửu Long, vùng miền này không nên khư khư ôm sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, việc trồng lúa không nên ưu tiên nữa, chỉ trồng đủ ăn và dư ra 2 triệu tấn gạo là vừa, mà cần chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả khác. Việc giải quyết các vấn đề bền vững và thịnh vượng cho đồng bằng sông Cửu Long cần làm theo sự liên kết tỉnh, liên kết ngành, trên cơ sở một quy hoạch tổng thể có đầy đủ các yếu tố, lĩnh vực.