Số liệu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2019
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2019 tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của tháng 11/2019 trong 6 năm trở lại đây. Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,8%), thị trường sôi động, phát triển ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm cung - cầu các loại hàng hóa trong những tháng cuối năm 2019.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2019 ước tính đạt 425,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 321 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% và tăng 13,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 49,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% và tăng 9,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 12,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 50,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% và tăng 11,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.481,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,3% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,7%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng đạt 3.400,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 16,8%; lương thực, thực phẩm tăng 15,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,5%; may mặc tăng 12,6%; phương tiện đi lại tăng 10,6%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng đạt mức tăng khá nhờ sức mua tiêu dùng tăng ở nhiều nhóm hàng thiết yếu, trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, mặt bằng giá ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Một số địa phương có mức tăng khá: Quảng Ninh tăng 20,1%; Bình Dương tăng 17,2%; Thanh Hóa tăng 15,2%; Hải Phòng tăng 15,1%; Đà Nẵng tăng 14,7%; Nghệ An tăng 13,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 13,4%; Hà Nội tăng 12,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm nay ước tính đạt 533,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng mức và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bình Định tăng 19,8%; Quảng Bình tăng 16,3%; Quảng Ninh và Lâm Đồng cùng tăng 16%; Thanh Hóa tăng 15,8%; Hải Phòng tăng 14,5%; Đà Nẵng tăng 11,7%; Hà Nội tăng 10,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 10%.
Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng ước tính đạt 41,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương có thế mạnh về du lịch đã triển khai các chương trình quảng bá thu hút khách trong và ngoài nước. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng là: Quảng Ngãi tăng 18,8%; Quảng Ninh tăng 17,1%; Bình Định tăng 16,2%; Thanh Hóa tăng 15,2%; Nghệ An tăng 13,7%; Khánh Hòa tăng 12,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 10%; Thừa Thiên - Huế tăng 9,1%; Hải Phòng tăng 7,7%; Hà Nội tăng 6,1%.
Doanh thu dịch vụ khác 11 tháng ước tính đạt 505,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu của Bình Dương tăng 17,9%; Bình Định tăng 17,1%; Cần Thơ tăng 12,2%; Hải Phòng tăng 10,9%; Quảng Ngãi tăng 10,2%; TP. Hồ Chí Minh tăng 9,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 8%; Đà Nẵng tăng 5,6%; Hà Nội tăng 4,8%.