Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Gần đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã nhận được sự khẳng định của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị thế của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế chung với nhiều chính sách hỗ trợ. Song, vì những yếu kém tự thân, các DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức cần được hỗ trợ thêm để phát triển nhiều hơn nữa.
GDP 6,81% trong năm 2017 là kết quả rực rỡ vô cùng đáng mừng của của nền kinh tế đất nước. Góp phần tạo nên thành công này, không thể kể đến sự đóng góp của các DNNVV, vừa làm giàu chung cho đất nước, vừa gia tăng thu nhập cho chính doanh nghiệp mình. Cộng đồng doanh nghiệp trong năm qua tăng lên cả về chất lượng lẫn số lượng. Đã có 10.800 doanh nghiệp được thành lập trong tháng 12, nâng tổng số doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2017 lên 126.859. Đây là con số cao kỷ lục kể từ trước cho tới nay, vượt qua con số từng được xem là cao chưa từng có 110.000 doanh nghiệp năm 2016 và cũng là năm xác lập kỷ lục thứ 3 liên tiếp. Số vốn đăng ký mới trong năm 2017 cũng tăng mạnh tới hơn 45% so với năm 2016.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp mới thành lập có sự tác động của nền kinh tế phát triển, cũng như hiệu lực của luật Doanh nghiệp 2014, luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, trong tổng số các doanh nghiệp khai sinh cũng như tổng số doanh nghiệp hiện có thì tỷ lệ DNNVV chiếm tới hơn 90%.
Như mọi loại hình doanh nghiệp khác, DNNVV đã nhận được sự khẳng định của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị thế của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế chung với nhiều chính sách hỗ trợ. Song vì những yếu kém tự thân, các DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức như nhọc nhằn về xin giấy phép, ách tắc về đất đai để xây dựng cơ sở kinh doanh, gánh chịu nhiều chi phí không chính thức, khiến lãi lời rất ít, chỉ từ 2 đến 4%, nhiều doanh nghiệp triền miên thua lỗ.
Chính sách từ trung ương cởi mở, hỗ trợ tối đa, nhưng về địa phương, sự vào cuộc giúp đỡ DNNVV của chinh quyền các cấp tại không ít nơi chưa mạnh mẽ, chỉ mang tính phong trào, tuyên truyền. Nên rất cần sự hỗ trợ đồng bộ, cụ thể, thiết thực ở mọi ngành, mọi cấp cho các DNNVV để họ có điều kiện thuận lợi, có vốn kinh doanh, dễ tiếp cận khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại nhất là công nghệ thông tin. Đó phải là những biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế chi phí không chính thức, tạo điều kiện để các DNNVV mạnh dạn vươn lên chứ đừng ngại lớn như lâu nay. Phải giúp họ dễ tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, cập nhật thông tin kinh tế, đào tạo được nguồn nhân lực phù hợp. Ngân hàng nhà nước hỗ trợ các doanh ngiệp tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Về quản lý kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, một số điều kiện đã được giảm, nhưng vẫn còn không ít văn bản pháp luật, công văn hướng dẫn, thông báo cần được xem xét tiếp, loại bỏ tiếp nếu chồng chéo, khắt khe thái quá, hay không phù hợp, cản trở, gây khó vô lý cho kinh doanh.
Ngoài ra, các DNNVV cũng nên tận dụng các điều kiện thuận lợi, vừa phải tự thân nâng cao năng lực để có thể tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế, kinh doanh toàn cầu. Bởi hiện nay phần đông các DNNVV vẫn như đang đứng trước ngã ba, ngã tư đường, chưa biết đi đâu về đâu nhất là với sự nhảy vọt của cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện tại chỉ có 21% DNNVV của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, khiến số đông ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất. Họ luôn thiếu khách hàng và thị trường nước ngoài, rất tốn kém nếu muốn theo công nghệ mới, sự hiểu biết về thương mại điện tử còn quá thấp.
Việc thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp cũng dẫn tới liên kết chuỗi giá trị yếu, phát triển sản phẩm mới kém. Nếu chỉ đơn độc một DNNVV sẽ khó có đủ năng lực để triển khai các hợp đồng thương mại, đầu tư quốc tế, chiếm lĩnh thị trường thế giới. Nên cần liên kết thành chuỗi trong cùng lĩnh vực, ngân hàng và doanh nghiệp có sự phối hợp cũng như đầu vào của doanh nghiệp này là đầu ra của doanh nghiệp khác. Trong những chuỗi giá trị, yếu điểm nào thì hỗ trợ điểm đó. Cần giúp các DNNVV thay đổi phương thức kinh doanh, tham gia mạnh vào kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ mạnh các doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, lập kế hoạch kinh doanh dài hạn, tận dụng cơ hội qua các hiệp định thương mại tự do. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2017 (VBF 2017 ), Thủ tướng Nguyễn Xân Phúc cùng với những cam kết về hành động của Chính phủ nhằm phát triển mạnh mẽ kinh tế đất nước, đã đặt kỳ vọng về một lớp doanh nghiệp và một thê hệ doanh nghiệp mới sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn.