Hiệu quả phân luồng tờ khai hàng hóa xuất, nhập khẩu
Việc phân luồng quyết định kiểm tra trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) là khâu rất quan trọng, bảo đảm phù hợp yêu cầu quản lý chặt chẽ, chống buôn lậu, gian lận với tạo thuận lợi thương mại.
Tuy vậy, các giải pháp hiện nay chủ yếu mang tính kỹ thuật, cho nên kết quả phát hiện, xử lý vi phạm chưa cao.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan triển khai ứng dụng Ngân hàng dữ liệu tiêu chí phân luồng quyết định kiểm tra đối với hàng hóa XNK. Trong đó, thí điểm thành công năm phiên bản tiêu chí phân luồng tại bốn Cục Hải quan tỉnh, thành phố và chuẩn bị áp dụng mở rộng trong toàn quốc. Về kỹ thuật, việc áp dụng tiêu chí phân luồng cho phép lựa chọn nhiều phương án xử lý khác nhau.
Đồng thời, tự động đánh giá hiệu quả từng phương án và lựa chọn ngẫu nhiên phương án phù hợp để áp dụng phân luồng cho từng trường hợp cụ thể theo thông tin nghiệp vụ, dấu hiệu vi phạm, đối tượng rủi ro cao… mà không có sự can thiệp của công chức hải quan, bảo đảm tính khách quan và bảo mật thông tin trong phân luồng quyết định kiểm tra, khắc phục hiện tượng lộ thông tin cho đối tượng buôn lậu biết trước để chủ động đối phó như vừa qua.
Tổng cục Hải quan thực hiện phân loại đánh giá rủi ro 400 văn bản chế độ, chính sách quản lý chuyên ngành, chuyển giao đơn vị hải quan các cấp thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro để áp dụng biện pháp kiểm tra phù hợp; chuẩn bị ứng dụng hệ thống quản lý rủi ro về chế độ chính sách, hàng hóa XNK, nhằm bổ sung các nguồn thông tin dữ liệu quan trọng, có giá trị hỗ trợ tích cực việc phân tích, xác định trọng điểm để áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra, theo dõi, đánh giá các rủi ro, cũng như cung cấp nguồn chỉ dẫn cho công chức hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát.
Năm 2018, sẽ áp dụng quản lý rủi ro trong giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế; phân luồng quyết định kiểm tra qua soi chiếu hàng hóa nhập khẩu trong quá trình xếp, dỡ từ phương tiện vận tải xuống khu vực cửa khẩu nhập và hàng hóa xuất khẩu sau khi đã thông quan tập kết tại khu vực cửa khẩu xuất, xây dựng hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu kết nối, truyền nhận, sử dụng kết quả soi chiếu trong các khâu thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan.
Việc triển khai các giải pháp nêu trên đã hỗ trợ quan trọng cho công tác phân luồng quyết định kiểm tra, nhưng chủ yếu mang tính kỹ thuật. Do vậy, Tổng cục Hải quan cần đẩy mạnh công tác phân tích xác định trọng điểm, quản lý chặt chẽ và tập trung áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra các doanh nghiệp trọng điểm hoạt động trên từng địa bàn; theo dõi, cập nhật danh sách doanh nghiệp trọng điểm; phát hiện và kiểm soát kịp thời các đối tượng lợi dụng các hình thức thành lập doanh nghiệp mới, thuê pháp nhân làm dịch vụ hoặc lợi dụng doanh nghiệp tuân thủ tốt làm vỏ bọc… để hoạt động buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại.
Hơn nữa, cần tăng cường thu thập, xử lý thông tin, phân tích sàng lọc tờ khai “luồng xanh” (miễn kiểm tra hồ sơ và hàng hóa) để cung cấp kịp thời danh sách tờ khai nghi vấn cho các đơn vị kiểm tra sau thông quan. Để thực hiện hiệu quả, cần tập trung nghiên cứu các phương thức, thủ đoạn lợi dụng “luồng xanh”, tập huấn cho cán bộ, công chức hải quan làm nhiệm vụ phương pháp nhận diện các dấu hiệu rủi ro, kết hợp xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro về tờ khai “luồng xanh” để phục vụ việc lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan. Sớm triển khai chương trình cảnh báo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật để giảm kiểm tra doanh nghiệp tuân thủ (rủi ro thấp), dành nguồn lực kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp rủi ro cao.