Cục Thuế Lào Cai:
Số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử liên tục tăng mạnh
Cùng với toàn ngành Thuế, thời gian qua, Cục Thuế Lào Cai đã tích cực triển khai các giải pháp để quản lý thuế lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), góp phần chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Ông Hoàng Hồng Quang - Phó Cục trưởng Cục Thuế Lào Cai đã có những chia sẻ về công tác quản lý cũng như kết quả cụ thể trong việc quản lý thuế TMĐT.
Phóng viên: Tổng cục Thuế vừa có công văn đề nghị Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, TP. tiếp tục chỉ đạo, điều hành kịp thời, sát sao, quyết liệt, tránh bỏ sót các hành vi vi phạm quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT của địa phương. Xin ông cho biết kết quả triển khai công tác này trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua?
Ông Hoàng Hồng Quang: Hiện nay, công nghệ số phát triển vượt bậc, lan tỏa khắp các lĩnh vực trong đời sống. Hoạt động kinh doanh TMĐT đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam nói chung, tỉnh Lào Cai nói riêng.
Để triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn, Cục Thuế Lào Cai đã ban hành các văn bản chỉ đạo gửi các phòng, các chi cục thuế tăng cường tăng cường quản lý thuế. Đồng thời, Cục cũng có văn bản gửi các nhà mạng như: Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone cung cấp thông tin khách hàng của các số điện thoại thuê bao thuộc sự quản lý của nhà mạng. Việc này cũng sẽ tạo cơ sở yêu cầu người nộp thuế kê khai, nộp thuế đối với các thuê bao có hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số đối với tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Cục Thuế Lào Cai đã tham mưu UBND Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với cơ quan thuế để thực hiện tốt nội dung quản lý thuế đối với hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh hoạt động TMĐT.
Cùng với đó, Cục Thuế Lào Cai đã tiến hành xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể đến các phòng thanh tra, kiểm tra và các chi cục thuế thực hiện công tác quản lý thuế TMĐT nhằm bảo đảm theo dõi, quản lý chặt chẽ đối với người nộp thuế, đảm bảo từ công tác tuyên truyền phổ biến chính sách bằng nhiều hình thức đến hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế biết để thực hiện theo quy định.
Đồng thời áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để nắm bắt, quản lý thuế nội dung này như: Thường xuyên rà soát, đôn đốc, quản lý thuế đối với các cá nhân, hộ kinh doanh TMĐT trên địa bàn; Khai thác dữ liệu của tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động TMĐT thông qua các nền tảng mạng xã hội như: youtube, zalo, facebook, tiktok… để kịp thời đưa vào quản lý thuế theo quy định; Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các trường hợp kinh doanh TMĐT qua công tác rà soát dữ liệu trên hệ thống theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Nhờ các giải pháp trên, năm 2023, số thuế thu được từ hoạt động này tăng 432,48% so với năm 2022. Trong 7 tháng đầu năm 2024, số thuế thu được cũng tăng tới 154,47% so với năm 2023.
Phóng viên: Là lĩnh vực mới nên sẽ có những khó khăn, thách thức nhất định trong công tác quản lý thuế TMĐT. Ông có thể chia sẻ thêm những khó khăn đặc thù trên địa bàn Tỉnh thời gian qua, thưa ông?
Ông Hoàng Hồng Quang: Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đó là công tác khai thác, thu thập dữ liệu phục vụ quản lý thuế. Dữ liệu của người nộp thuế trên cơ sở dữ liệu còn khó khai thác như mã số thuế và tên người nộp thuế không khớp với TMS, thông tin người nộp thuế không thuộc cơ quan thuế quản lý, thông tin không đầy đủ dẫn đến việc khó xác minh.
Bên cạnh đó, dù Cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thu thập đầy đủ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế, song hiện nay công tác chia sẻ, kết nối thông tin TMĐT giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan với cơ quan thuế còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả.
Đáng chú ý, có tình trạng nhiều cá nhân, hộ kinh doanh online nhưng các giao dịch lại thông qua các shipper để thu tiền mặt. Nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế dẫn đến việc xác định doanh thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT chưa được đầy đủ mà chủ yếu việc xác định doanh thu tính thuế vẫn dựa trên việc người nộp thuế tự kê khai.
Các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh có nhiều tên miền kinh doanh khác nhau đồng thời kinh doanh trên nhiều nền tảng số với các tên tài khoản khác nhau; giao dịch qua nhiều tổ chức thương mại; không có địa điểm, địa chỉ kinh doanh cụ thể…. đã gây nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin, kết nối thông tin, liên hệ, liên lạc mời lên làm việc. Hoặc khi đã liên lạc mời người nộp thuế lên làm việc thì giữa cơ quan thuế và người nộp thuế chưa thống nhất được số liệu dẫn đến khó khăn trong việc xác định và truy thu số thuế phải nộp.
Phóng viên: Để quản lý thuế TMĐT hiệu quả, Cục Thuế Lào Cai đã triển khai áp dụng HĐĐT như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Hồng Quang: Hiện nay, theo quy định của pháp luật, việc áp dụng HĐĐT đang triển khai bắt buộc đối với các tổ chức, doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai, bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý thuế cũng như những tiện ích cho người nộp thuế.
Đối với lĩnh vực TMĐT, hiện nay Cục Thuế Lào Cai cũng đã và đang triển khai quyết liệt việc sử dụng HĐĐT (đặc biệt là sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để đạt được điều đó Cục Thuế triển khai thực hiện phân loại hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT thành 2 nhóm:
Nhóm 1: Đủ điều kiện để áp dụng HĐĐT (có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, đã thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, chấp hành tốt chế độ sổ sách kế toán...) nhưng chưa sử dụng hóa đơn. Với nhóm này, cơ quan thuế cử cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ tuyên truyền, vận động để người nộp thuế nắm bắt được lợi ích của việc sử dụng HĐĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT nói riêng.
Nhóm 2: Chưa đủ điều kiện áp dụng HĐĐT (chưa thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, không có địa điểm rõ ràng, hàng hóa gần như chưa được kiểm soát bởi cơ quan chức năng....). Thực tế cho thấy, nhóm này tương đối đông, để triển khai áp dụng HĐĐT đối với nhóm này cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cơ quan thuế ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp đến cá nhân kinh doanh còn đang triển khai phối hợp với UBND phường, xã chỉ đạo đến từng tổ dân phố, từng thôn bản (đưa nội dung tuyên truyền lên nhóm Zalo của tổ, thôn) để các cá nhân kinh doanh trên nền tảng số nắm bắt được các quyền lợi và trách nhiệm của việc kê khai, nộp thuế khi có hoạt động kinh doanh, và nắm bắt được tiện ích của việc sử dụng HĐĐT trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trên nền tảng số. Từ đó, giúp cá nhân kinh doanh TMĐT hiểu và thực hiện đăng ký kinh doanh theo đúng quy định, tránh được những rắc rối do vi phạm quy định về kinh doanh, cũng như các quy định về thuế dẫn đến phải truy thu, xử phạt. Đây là biện pháp khá hiệu quả và được chính quyền địa phương và người dân ủng hộ.
Phóng viên: Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song để có thể chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này vẫn cần những giải pháp triệt để hơn. Xin ông cho biết, kế hoạch cụ thể của Cục Thuế trong thời gian tới?
Ông Hoàng Hồng Quang: Để công tác quản lý thuế về TMĐT đạt hiệu quả hơn, Cục Thuế Lào Cai sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.
Cục Thuế sẽ tiếp tục làm tốt việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với cơ sở dữ liệu về mã số thuế để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số thuế theo quy định; hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế.
Cùng với đó, tăng cường chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương (Cục Quản lý thị trường) và các cơ quan có liên quan trao đổi thông tin về hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên TMĐT.
Cục Thuế Lào Cai cũng yêu cầu các chi cục thuế rà soát, xác minh các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhận chuyển phát nhanh (đang quản lý đội ngũ shiper giao hàng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng…) để nắm thông tin tài khoản ngân hàng và các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT để quản lý thuế theo quy định.
Thời gian tới, Cục Thuế sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và thu thập thông tin xác định kinh doanh TMĐT, các kỹ năng thanh tra kiểm tra, phân tích dữ liệu hoạt động kinh doanh TMĐT cho công chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phát hiện các trường hợp có hàng hóa mua vào lớn nhưng kê khai đầu ra doanh thu thấp để truy thu, xử phạt về thuế theo quy định đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi gian lận, trốn thuế từ TMĐT.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!