Sớm giải bài toán nguồn cung vàng
Giá vàng liên tục tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng do tác động từ tình hình thế giới cũng như nhu cầu trong nước dịp cuối năm. Theo chuyên gia, để thu hẹp đà tăng giá vàng trong nước với thế giới, nên tăng nguồn cung thông qua việc cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu nguyên liệu này.
Giá vàng sẽ tiếp tục tăng
9h30 sáng 28/11, giá vàng thế giới lên mức 2.016,3 USD/ounce, tăng khoảng 4 USD USD/ounce (gần 120.000 đồng/lượng) so với cuối ngày hôm trước. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC trong nước tăng cao hơn và liên tục lập đỉnh mới.
Lúc 8h30, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội được niêm yết ở mức 71,9 - 72,7 triệu đồng/lượng (mua - bán) thì lúc 11h57, giá vàng SJC tăng vọt lên 73,5 triệu đồng/lượng, mua vào ở mức 72,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, đạt 61,9 triệu đồng/lượng, trong khi mua vào là 60,7 triệu đồng/lượng (lúc 11h57).
Lý giải về sự tăng vọt của giá vàng, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trước tiên là bởi chỉ số đồng USD lao dốc mạnh sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu dừng tăng lãi suất, khiến giá vàng hưởng lợi. Bên cạnh đó, thế giới vẫn đang có nhiều biến cố liên quan đến lạm phát, các chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia, đặc biệt là những biến cố về quân sự và chính trị, khiến vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư và đang tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến giá vàng trong nước tăng theo.
Ở trong nước, các thị trường chứng khoán, bất động sản khó khăn, lãi suất tiền gửi ngân hàng xuống thấp khiến kênh đầu tư vàng trở nên hấp dẫn hơn. Đặc biệt, nhu cầu trang sức dịp cuối năm tăng cao, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán sẽ khiến giá vàng tiếp tục xu hướng tăng trong một vài tháng tới, ông Hiếu nhận định.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh bổ sung, nhu cầu về trang sức dịp cuối năm tăng cao không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… Đáng chú ý, tính đến quý III năm nay, ngân hàng trung ương các nước đã mua vào khoảng 800 tấn vàng và có thể vượt mốc 1.000 tấn trong cả năm nay, riêng Trung Quốc đều đặn mua vào hàng tháng và đã mua khoảng 170 tấn vàng trong 3 quý vừa qua. Trong bối cảnh nguồn cung hầu như ổn định, nhưng nhu cầu tăng sẽ đẩy giá vàng tiếp tục lên cao, hướng lên mức 2.050 USD/ounce, thậm chí phá kỷ lục ở mức 2.080 USD/ounce, ông Khánh nhận định.
Người mua vàng đang chịu thiệt
Xét tương quan giữa giá vàng trong nước với thế giới có thể thấy, giá vàng trong nước vẫn cao hơn so với thế giới khoảng 12 - 14 triệu đồng/lượng và kéo dài trong nhiều tháng qua. Tính chung, tại nhiều thời điểm, giá vàng SJC trong nước đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 15 - 16%, vàng nhẫn và nữ trang là 5 - 6%.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, nguyên nhân căn bản là từ nhiều năm nay, do không được nhập khẩu vàng để gia công vàng SJC nên nguồn cung này trên thị trường rất ít, khi nhu cầu nhích nhẹ sẽ đẩy giá tăng. Bên cạnh đó, đối với ngành sản xuất nữ trang, vì không được nhập vàng chính thức mà phải mua vàng trôi nổi, nhưng đa số là vàng nhập lậu khiến họ không dám mua nữa vì sợ tiếp tay cho buôn lậu. Điều này cũng góp phần đẩy giá vàng tăng khi nhu cầu nhích lên.
Thực tế, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và một số doanh nghiệp lớn đã có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước cho phép được nhập khẩu vàng chính thức, tuy nhiên sau nhiều tháng vẫn chưa được chấp thuận. Trong khi đó, dịp cuối năm là mùa cưới, nhu cầu trang sức tăng cao, song nguồn cung khan hiếm sẽ tiếp tục đẩy giá vàng tăng.
Để giải bài toán nguồn cung, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần cho phép các doanh nghiệp lớn, có uy tín nhập khẩu vàng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu vàng trang sức, vàng nhẫn, qua đó thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Cùng với đó, doanh nghiệp kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng theo hướng cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng SJC, tăng cung cho thị trường. “Nếu không giải bài toán về nguồn cung thông qua cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng, người mua vàng trong nước sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi do phải mua vàng trong nước đắt hơn giá thế giới”, ông Huỳnh Trung Khánh nhìn nhận.
Ủng hộ đề xuất của các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một mặt Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát biến động của giá vàng thế giới để có chính sách phù hợp, đồng thời cần tăng cường công tác chống buôn lậu vàng, mặt khác cần tính đến việc thoát khỏi vai trò vừa là nhà quản lý thị trường vàng vừa là người tham gia trực tiếp (là cơ quan duy nhất được nhập khẩu vàng). “Ngân hàng Nhà nước nên trở lại vai trò của nhà quản lý để kiểm soát, giám sát hơn là tham gia trực tiếp; thay vào đó, nên cho phép doanh nghiệp có uy tín, đủ điều kiện tài chính được phép nhập khẩu vàng, mở rộng thị trường nhập khẩu đối với mặt hàng này”, ông Hiếu nêu ý kiến.
Tuy nhiên, có những lo ngại nếu cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ. Song, theo dẫn giải của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng doanh nghiệp đề xuất nhập khẩu khoảng 1,5 tấn, tương đương khoảng 750 triệu USD và không phải nhập vào một lúc mà sẽ trong một khoảng thời gian (có thể là 3 tháng). So với dự trữ ngoại hối lên tới 100 tỷ USD thì con số này chỉ chiếm chưa đến 1%, và thấp hơn so với mức nhập khẩu một số mặt hàng như điện thoại iPhone (1,6 tỷ USD trong năm 2022). Việc nhập khẩu vàng này có thể được xuất trở lại nếu vàng quốc tế tăng. Đây là đề xuất cần được cơ quan quản lý nghiên cứu, đánh giá để sớm đưa ra quyết định phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các bên.