Sơn La: Thu hút đầu tư, hướng tới trung tâm công nghiệp chế biến

Thanh Hằng

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Sơn La đã thu hút 14 dự án đầu tư mới ngoài ngân sách với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông sản, năng lượng tái tạo và hạ tầng công nghiệp. Nhằm tạo đà phát triển bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch danh mục dự án trọng điểm và hoàn thiện hạ tầng đầu tư.

Tập trung nâng cao chất lượng môi trường đầu tư

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 3.942 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 70.733 tỷ đồng. Chỉ trong nửa đầu năm 2025, Tỉnh đã phê duyệt 14 dự án đầu tư mới ngoài ngân sách, với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với tổng mức tăng gần 1.000 tỷ đồng.

Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, hạ tầng khu công nghiệp và năng lượng tái tạo, những ngành phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững của tỉnh.

Sơn La đang thu hút đầu tư, hướng tới trung tâm nông nghiệp hàng hóa và công nghiệp chế biến.
Sơn La đang thu hút đầu tư, hướng tới trung tâm nông nghiệp hàng hóa và công nghiệp chế biến.

GRDP 6 tháng đầu năm của Sơn La đạt 16.541 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 8,76% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.432 tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán Trung ương giao và 54% dự toán HĐND Tỉnh, tăng tới 173,34% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La, trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, việc thu hút đầu tư tư nhân đóng vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh đang tích cực rà soát quy hoạch, công khai danh mục các dự án trọng điểm và thành lập tổ công tác theo từng dự án để tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Tỉnh Sơn La đã và đang tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục, nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tạo môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện. Các dự án ngoài ngân sách thời gian qua chủ yếu phát triển trong các lĩnh vực chế biến nông sản, hạ tầng đô thị, du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn. Hạ tầng giao thông và logistics còn yếu, địa hình phức tạp và xa các trung tâm kinh tế lớn khiến chi phí vận chuyển cao, làm giảm sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đào tạo nghề chưa sát thực tiễn. Nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng triển khai chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và niềm tin của nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La, kinh tế tư nhân đang đóng góp lớn vào GRDP, ngân sách và tạo việc làm cho trên 100.000 lao động tại địa phương. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ, vốn ít, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ và du lịch, gặp nhiều rào cản trong tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ và thị trường.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực, đẩy mạnh đào tạo, xúc tiến thị trường, chuyển đổi số. Đồng thời đề xuất cắt giảm 30% thời gian và chi phí thủ tục hành chính; bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

"Hiệp hội cũng kiến nghị tổ chức đối thoại định kỳ giữa chính quyền và doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các vướng mắc; đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ vốn đối ứng xuống còn 15% và nâng tỷ lệ vốn vay lên 85% nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng", ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết.

Đẩy mạnh đầu tư công và hoàn thiện hạ tầng

Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2025, Sơn La sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng liên vùng có ý nghĩa chiến lược như cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tuyến nối quốc lộ 37 với 279D. Tỉnh kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Trong năm 2025, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu hoàn thành Nhà máy chế biến chè Mộc Châu với công suất 125 tấn/ngày và trang trại nuôi 4.000 con bò sữa. Đây là những dự án đầu tư quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến tại địa phương.

Tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo hướng tập trung, chọn lọc các dự án then chốt, tạo động lực phát triển đột phá. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, nhất là về thủ tục đầu tư, phân cấp, giải phóng mặt bằng. Song song với đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động.

Với những nỗ lực trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng, Sơn La đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp hàng hóa và công nghiệp chế biến của khu vực. Tỉnh đặc biệt chú trọng chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, nhằm minh bạch hóa thông tin, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và các giải pháp đồng bộ sẽ giúp Sơn La phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.