“Sóng” M&A ngân hàng nóng trở lại
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, hầu hết các ngân hàng đều tính đến phương án tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, tiến tới áp dụng chuẩn Basel II thông qua những thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) và bán cổ phiếu.
Theo các chuyên gia tài chính, xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng trong năm nay có dấu hiệu nóng lên. Không chỉ có các nhà băng nội tích cực tham gia M&A, mà quỹ đầu tư nước ngoài cũng ngấp nghé đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam có tiềm năng phát triển, quản trị lành mạnh và hệ thống tài chính minh bạch.
Rầm rộ kế hoạch tăng vốn
Tính đến thời điểm này đã có hơn 10 ngân hàng tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2018, trong đó có gần một nửa tính đến chuyện M&A và bán cổ phiếu. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 thương vụ dự kiến “chốt” trong năm nay.
Điển hình, sau nhiều lần “lỡ duyên” với VietinBank, MBBank, tại ĐHCĐ năm nay, lãnh đạo PGBank đã chính thức thông qua kế hoạch sáp nhập vào HDBank, dự kiến hoàn tất vào tháng 8/2018. Tỷ lệ hoán đổi theo phương án 1:0,621 (1 cổ phiếu PGBank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank).
Trong khi đó, hai ngân hàng khác là NCB và Vietcombank cũng cho biết đặt mục tiêu chốt thương vụ bán cổ phiếu trước ngày 30/6.
Tại ĐHCĐ mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết ngân hàng này vừa được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ bán 10% vốn điều lệ cho đối tác ngoại nhằm tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II.
Theo lãnh đạo Vietcombank, giá bán cổ phần dựa trên các căn cứ: mức giá công ty thẩm định giá đưa ra, việc lựa chọn công ty thẩm định giá phải thông qua đấu thầu; mức giá giao dịch trong 10 phiên gần nhất.
Còn lãnh đạo NCB cho biết hiện có 3 nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng mong muốn được sở hữu vốn của ngân hàng này và NCB đang cân nhắc để chọn lựa nhà đầu tư tiềm lực nhất.
Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư nước ngoài không tập trung nhiều vào M&A hay trở thành đối tác chiến lược, mà săn đón cổ phiếu ngân hàng Việt thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và các thương vụ chào bán vốn khác.
Chẳng hạn, nhiều nhà đầu tư ngoại như: GIC, Dragon Capital, VinaCapital, Deutsche Bank AG, Deccan, JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank, Clermont, Charlemagne, PYN Elite…_đang chờ đón đợt phát hành cổ phiếu của TPBank, VPBank và HDBank…
Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ lại gặp khó khăn trong việc thực hiện phương án tăng vốn. Điển hình, Saigonbank dù nhiều lần trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên hơn 4.000 tỷ đồng, song 5 năm qua vẫn chưa thể thực hiện.
Trước áp lực nâng cao năng lực tài chính, Saigonbank từng tính đến chuyện sáp nhập và được một đối tác lớn chấp thuận là Vietcombank, nhưng thương vụ này bất thành khi các cổ đông lớn của Saigonbank chưa tìm được tiếng nói chung. Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu không M&A, Saigonbank khó có thể đứng vững.
Xu hướng tất yếu
Đánh giá về làn sóng đầu tư vốn ngoại vào lĩnh vực ngân hàng, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang có nhiều thay đổi khi các quỹ đầu tư nước ngoài đang tích cực tham gia đầu tư vào những ngân hàng nội có tiềm năng phát triển, quản trị lành mạnh và hệ thống tài chính minh bạch.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay đang tốt hơn rất nhiều so với thời gian trước đây, nên việc nhà đầu tư ngoại quan tâm là điều dễ hiểu._
Hiện có các yếu tố thuận lợi như: nền kinh tế ổn định, phát triển, môi trường cạnh tranh tích cực, các chuẩn mực hoạt động tại Việt Nam tiệm cận dần với các chuẩn mực quốc tế.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn giám sát chặt chẽ để điều hành các công cụ tài chính một cách linh hoạt, nhờ đó lãi suất giảm hỗ trợ cho doanh nghiệp, điều hành tỷ giá linh hoạt giúp cho tiền đồng không bị mất giá trước áp lực từ việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Nội tại các ngân hàng đang có sự cải thiện mạnh mẽ, nợ xấu giảm mạnh, kết quả kinh doanh khả quan, qua đó tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước với đồng tiền Việt Nam và môi trường đầu tư.
Bản thân các ngân hàng cũng ý thức được việc cấp bách phải tăng vốn. Vì vậy, nhiều chỉ tiêu an toàn vốn bị siết chặt, dòng tiền mua bán cổ phần ngân hàng cũng bị giám sát, đảm bảo tiền mua cổ phần ngân hàng là “tiền tươi thóc thật”.
Nhờ đó, các ngân hàng ngoại có cơ hội hợp tác với các ngân hàng nội có chuẩn mực hoạt động tốt. Ngược lại, khi hợp tác với các ngân hàng ngoại, ngân hàng nội sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
Theo các chuyên gia, xu hướng M&A ngân hàng trong thời gian tới là tất yếu do yêu cầu đáp ứng chuẩn Basel II, các tỷ lệ thanh khoản và bảo đảm an toàn vốn. Do đó, các ngân hàng nhỏ hoặc hoạt động kém hiệu quả sẽ cần phải sáp nhập với các ngân hàng lớn mới có thể tồn tại được.
“Những ngân hàng chưa có một tình hình tài chính lành mạnh rất cần thẳng thắn nói về điểm yếu của mình, minh bạch về năng lực tài chính, thể hiện tinh thần tuân thủ pháp luật sẽ tạo niềm tin lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài”, một chuyên gia khuyến cáo.