Ngân hàng báo lãi nghìn tỷ - Khả năng sinh lời đến từ đâu?
Trong 4 tháng đầu năm 2018, tín dụng tăng trưởng trên 5%, tương đồng với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã có báo cáo kết quả hoạt động quý đầu năm 2018 với lợi nhuận ở mức gấp đôi, gấp ba lần cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. Vậy khả năng sinh lời này đến từ đâu?
Theo phân tích của các chuyên gia, hiện tại, môi trường kinh tế thuận lợi, thị trường chứng khoán thăng hoa giúp việc gọi vốn dễ dàng hơn, thanh khoản ngân hàng dồi dào, tăng trưởng dịch vụ ngày càng cao, hoạt động xử lý nợ xấu tích cực… Đây là những yếu tố kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao cho các ngân hàng trong năm nay.
Ngân hàng báo lãi nghìn tỷ
Vietcombank cho biết, tính đến hết quý I, nhà băng này đã hoàn thành 31% kế hoạch cả năm, với mức lợi nhuận trước thuế ghi nhận ở con số kỷ lục 4.359 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi cùng kỳ.
VietinBank cũng có thông tin về kết quả hoạt động với lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng, cao hơn 20% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, BIDV thông báo về kết quả hoạt động với lợi nhuận hơn 2.700 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng 29% so với cùng kỳ. Techcombank đạt 2.569 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần gấp đôi. VPBank báo đạt lợi nhuận trước thuế gần 2.620 tỷ đồng, tăng 36%.
Dù ở top dưới, nhưng một số ngân hàng vẫn “nằm” trong nhóm ngân hàng lãi nghìn tỷ, đó là: ACB ghi nhận lãi trước thuế quý I/2018 đạt 1.490 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2017. MB đạt lợi nhuận trước thuế 1.746 tỷ đồng, tăng 65%. HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.045 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần…
Theo các chuyên gia, đóng góp vào lợi nhuận tăng cao của những ngân hàng này, ngoài tín dụng tăng trưởng hợp lý, phải kể đến các hoạt động dịch vụ, chứng khoán, hoạt động phi tín dụng… tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Bằng chứng là có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm trong quý I nhưng lợi nhuận cả quý tăng mạnh như: ABBank thất thu khoảng 2.246 tỷ đồng do tăng trưởng tín dụng âm tới 4,7% so với cùng kỳ năm 2017, dư nợ dừng ở mức 45.656 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 3,7 lần lên mức 384 tỷ đồng.
Nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của ABBank vẫn từ thu nhập lãi thuần, đạt 550 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đạt 252 tỷ đồng đóng góp vào lợi nhuận quý này.
Khả năng sinh lời sẽ tiếp tục gia tăng
Theo báo cáo của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân của 14 ngân hàng Việt Nam đã tăng từ 0,7% năm 2016 lên 0,9% trong năm 2017.
Moody’s dự báo khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018 nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và tăng trưởng thu nhập cốt lõi duy trì sự khả quan.
Số liệu tổng hợp từ báo cáo của công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, trong năm 2017, nhiều ngân hàng đã công bố các chỉ số ROA và ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn) ở mức tăng trưởng như: HDBank đạt ROA 1,03% và ROE đạt 14,51%, VPBank đạt lần lượt là 2,54% và 27,48%, Vietcombank là 1,00% và 17,79%.
Tuy nhiên, bước sang quý đầu năm 2018, chỉ số này ở các ngân hàng đã có sự thay đổi đáng kể. Chẳng hạn ROA của HDBank đạt 1,5% còn ROE là 19,2%; trong khi chỉ số ROA và ROE của VPBank lần lượt là 3,3% và 34,2%.
Một số ngân hàng không công bố chỉ số ROA và ROE cho cả năm 2018, nhưng đưa ra mục tiêu lợi nhuận đột biến như: VietinBank là 10.800 tỷ đồng, ACB tham vọng lãi trước thuế 5.700 tỷ đồng, Sacombank cũng nâng mức lợi nhuận lên hơn 1.800 tỷ đồng…
Theo các chuyên gia, mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở khi nội tại môi trường kinh tế thuận lợi, thị trường chứng khoán thăng hoa giúp việc gọi vốn dễ dàng hơn, thanh khoản ngân hàng dồi dào, tăng trưởng dịch vụ ngày càng cao, hoạt động xử lý nợ xấu tích cực…
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2018, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 87,9% (cùng kỳ năm 2017 là 88%). Trong đó, LDR bằng VND là 89,8%, LDR bằng ngoại tệ là 71,7%.
NFSC nhận định, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tương đối dồi dào và sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới.
Về hoạt động xử lý nợ xấu, qua theo dõi, Moody’s nhận xét một số ngân hàng Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc xử lý nợ xấu và cho rằng đây là một điểm tích cực đối với tín nhiệm của ngành ngân hàng, bởi quá trình này giúp cải thiện chất lượng tài sản và tháo gỡ rào cản đối với lợi nhuận của ngân hàng.