"Sốt đất" khắp nơi, Thanh Hoá làm gì để kiểm soát?
Thanh Hóa sẽ tổ chức công bố công khai các thông tin về quy hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra khi giao dịch đất đai; xử lý hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật với những trường hợp vi phạm…
Cùng với diễn biến trên phạm vi cả nước, tại Thanh Hóa, giá đất cũng tăng phi mã từ đầu năm 2021. Để tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật, tránh hiện tượng “sốt ảo”, “bong bóng”, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi, ngày 14/5, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 6422/UBND-KTTC về việc tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4692/UBND-CN ngày 12/4/2021 và các văn bản có liên quan.
Bên cạnh đó, tổ chức công bố công khai các thông tin về quy hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra khi giao dịch đất đai, bất động sản mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao dịch mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình để kịp thời công bố các thông tin liên quan đến tình hình giá đất trên địa bàn; tuyệt đối không đưa những thông tin về giá đất khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, để tránh bị lợi dụng, lan truyền nhằm trục lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất.
Cùng với đó, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án khu đô thị, khu dân cư theo quy định của pháp luật; Xây dựng kế hoạch để chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc thẩm định, trình danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Chủ động tham mưu, xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu giá đất; chỉ số biến động giá đất thị trường, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin về giá đất, giao dịch đất đai tại địa phương, góp phần ngăn chặn hiện tượng tung tin, đồn thổi nhằm đẩy giá lên cao để trục lợi.
Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin, đại chúng về giá bán đất, giá bán bất động sản tại dự án đơn vị làm chủ đầu tư, để người dân biết khi thực hiện các giao dịch.
Khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bất động sản phải ghi đúng, ghi đủ giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong hợp đồng, hóa đơn mua bán; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 12/4, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Công văn số 4692/UBND-CN về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đến nay về cơ bản các hiện tượng biến động giá đất “đột biến”, “sốt ảo” đã bước đầu được kiểm soát, giá đất có xu hướng ổn định trở lại.