Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Hiện tại Luật Phí và lệ phí đang được Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập, những quy định không còn phù hợp trong Pháp lệnh phí và lệ phí hiện hành để trình Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Quốc hội vào đầu năm sau.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhiều quy định về phí và lệ phí không còn phù hợp
 
Theo Bộ Tài chính, sau hơn 13 năm thực hiện, Pháp lệnh phí và lệ phí về cơ bản đã tạo dựng khung khổ pháp lý, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức cá nhân trong thực hiện các quy định về phí, lệ phí. Công tác tổ chức thu, nộp và quản lý sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí đã được công khai, minh bạch thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Cơ chế quản lý phí, lệ phí đã từng bước được đổi mới, gắn với xã hội hóa cao, tạo thế chủ động cho các đơn vị quản lý, nộp và sử dụng phí, lệ phí, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực phí và lệ phí.
 
Tuy nhiên, do được ban hành cách đây đến 13 năm (28/8/2001)  nên so với thực tế Pháp lệnh phí đã phát sinh không ít bất cập, lớn nhất là quy định chưa cân xứng giữa quyền quyết định và quyền miễn giảm. Theo pháp luật hiện hành, HĐND tỉnh, thành phố được phân quyền quyết định ban hành 28 khoản phí và 11 khoản lệ phí, nhưng việc miễn giảm bất cứ khoản phí, lệ phí nào lại chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền. Mặt khác từ năm 2002 đến nay, Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó quy định thêm một số khoản thu phí, lệ phí mà thời điểm ban hành Pháp lệnh chưa lường hết; một số khoản thu được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành (phí bay qua vùng trời, phí nhượng quyền khai thác, phí công chứng) chưa đồng bộ với chế độ chung về phí và lệ phí.

Bên cạnh đó, khi ban hành Pháp lệnh phí và lệ phí, có một số khoản thu như phí trông giữ xe ôtô, xe máy, phí chợ, bến bãi… thời điểm đó là phù hợp trong danh mục phí, lệ phí. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì ngày càng có nhiều các tổ chức, đơn vị công lập chuyển đổi sang mô hình đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính, nên việc thu các khoản này dưới hình thức phí sẽ không còn phù hợp, chưa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.
 
Hoàn thiện phương thức quản lý
 
Để hoàn thiện chính sách phí, lệ phí, thiết lập khung khổ pháp lý rõ ràng và phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn mới, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo trình Chính phủ Luật Phí, lệ phí với 8 chương, 36 điều trên cơ sở kế thừa và phát huy những mặt tích cực của pháp lệnh hiện hành, bổ sung một số nội dung đã được quy định tại nghị định của Chính phủ, mà trong quá trình thực hiện không có vướng mắc; đặc biệt loại bỏ những khoản phí, lệ phí không còn phù hợp. Theo đó, HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương được quyết định thu phí và lệ phí theo phân cấp do UBND cùng cấp trình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; được quyết định miễn giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền theo phân cấp của Chính phủ.
 
Về danh mục phí, lệ phí, dự thảo luật bổ sung các loại phí, lệ phí đã có tên trong các văn bản pháp luật khác để đưa vào danh mục ban hành kèm theo luật nhằm thực hiện thống nhất, đồng thời chuyển thuế môn bài thành lệ phí kinh doanh hàng năm. Bên cạnh đó, để kịp thời sửa đổi những quy định không còn phù hợp, Bộ Tài chính kiến nghị đưa ra khỏi danh mục một số loại như: phí kiểm định nhà nước về chất lượng hàng hóa; phí kiểm định phương tiện đo lường; phí đấu thầu; các dịch vụ có khả năng xã hội hóa cao, phí xây dựng, phí an ninh trật tự. Đối với dịch vụ khám chữa bệnh, sẽ chuyển sang thực hiện cơ chế giá thay vì cơ chế thu viện phí như hiện nay.
 
Để thống nhất với các quy định trong Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính trình Chính phủ các quy định quản lý, sử dụng phí và lệ phí theo nguyên tắc thu đủ - chi đủ. Đối với phí thu được từ các dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện được nộp toàn bộ vào NSNN. Chi phí hoạt động của các cơ quan này sẽ được đảm bảo theo định mức, tiêu chuẩn chung. Trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động, thì được khấu trừ và tổng hợp vào dự toán hàng năm của cơ quan thu phí; phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện sẽ nộp ngân sách theo quy định và được tính vào cân đối NSNN. Phần để lại để trang trải hoạt động của đơn vị là khoản phí ngoài NSNN hoặc giá dịch vụ, đơn vị được quản lý và sử dụng theo quy định sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế.
 
Dự kiến dự án Luật Phí, lệ phí được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tháng 5/2015 để lấy ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10.