Sự điều chỉnh của chứng khoán còn tiếp tục kéo dài
4 yếu tố tác động mạnh đến "bức tranh" thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hé mở, nó sẽ đưa ra những viễn cảnh khó khăn cho "chợ vốn" Việt Nam trong thời gian tới.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Thế giới: Tính bất định ngày càng tăng
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington vào ngày hôm nay, 9/5, bắt đầu vòng đàm phán tiếp theo dài hai ngày với Mỹ để dỡ bỏ các rào cản thương mại giữa hai nước.
Với tuyên bố của ông Trump hôm Chủ nhật rằng sẽ nhanh chóng đánh thuế cao hơn lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc và tiếp tục xem xét nâng thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu khác từ nền kinh tế lớn nhất châu Á, viễn cảnh đã trở nên "tồi tệ" hơn cho kinh tế thế giới.
Tác động của sự việc không chỉ dừng lại ở quan hệ thương mại giữa hai cường quốc, mà dự báo còn lan sang khu vực châu Âu, Mexico, Canada và những quốc gia khác, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Cùng với đó, các nền kinh tế lớn, là đầu tàu quan trọng của kinh tế thế giới cũng đang đối mặt với rất nhiều vấn đề trong nội bộ: Mỹ tiếp tục duy trì tình trạng thâm hụt ngân sách lớn, trong khi Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách tài khóa và tín dụng lỏng lẻo, còn châu Âu vẫn chật vật trên con đường phục hồi khi mà tiến trình Brexit chưa ngã ngũ.
Với châu Âu, tăng trưởng được dự báo sẽ chậm hơn, mà nguyên nhân là các vấn đề thương mại, vướng mắc chưa được giải quyết giữa các chính phủ và các ngân hàng trong khu vực đang nắm giữ nợ công. Điều này sẽ khuếch đại các vấn đề tồn tại của một liên minh tiền tệ không hoàn chỉnh, trong khi sự chia sẻ rủi ro không đầy đủ.
Ở phần còn lại của thế giới, tăng trưởng cũng rất có thể sẽ chậm lại, thậm chí còn tệ hơn khi các nước khác sẽ buộc phải trả đũa chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Trung Quốc phải làm chậm tăng trưởng của mình để đối phó với hàng hóa dư thừa và đòn bẩy tài chính quá mức. Các thị trường mới nổi mong manh sẽ tiếp tục bị tác động xấu không mong muốn từ chủ nghĩa bảo hộ và chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ.
Chịu tác động mạnh từ triển vọng kinh tế, thị trường chứng khoán toàn cầu đang bắt đầu “sủi bọt”. Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) của các thị trường chứng khoán thế giới đều cao so với mức trung bình lịch sử, định giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đã trở nên quá mức.
Hơn nữa, tỷ lệ đòn bẩy ở nhiều thị trường mới nổi và một số nền kinh tế phát triển rõ ràng là đang ở mức cao. Bất động sản thương mại và dân cư đã trở nên quá đắt đỏ ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong khi đó, không gian kích thích tài khóa đã bị giới hạn bởi nợ công lớn, các chính sách tiền tệ sẽ bị hạn chế bởi bảng cân đối kế toán cồng kềnh của các ngân hàng trung ương, dẫn đến thiếu khoảng không để cắt giảm lãi suất chính sách.
Hơn nữa, các khoản cứu trợ tài chính trong ngành như trước đây giờ sẽ không thể chấp nhận được ở các quốc gia có chính phủ gần như phá sản.
Nếu các điều kiện trên chín muồi thì viễn cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế, và theo sau là một cuộc suy thoái toàn cầu, đang dần hiện hữu.
Chứng khoán Việt 2019: Rủi ro lớn dần
Với Việt Nam, dự báo GDP năm 2019 tăng ở mức 6,6-6,9%.
Trong quý I/2019, GDP ước tính tăng 6,79%, theo Tổng cục Thống kê. Kết quả này phù hợp với báo cả năm, nhưng trên thực tế tăng trưởng nhưng có phần chậm lại.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế sau đại hội cổ đông diễn ra đầu quý II/2019 đều tỏ ra thận trọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm nay ở mức khiêm tốn hơn.
Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam dường như đã không còn hấp dẫn như trước, khi mà tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) ở nhiều cổ phiếu đều ở mức cao và giá cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp có đà tăng trưởng đã trở nên cao hơn.
Cùng với đó, dự báo dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó khăn hơn, khi mà thị trường tài chính toàn cầu đang có dấu hiệu rơi vào tiền chu kỳ khủng hoảng kinh tế. Hơn nữa, minh bạch thông tin, hàng hóa chất lượng, nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, phát triển các sản phẩm mới vẫn còn một số mặt hạn chế.