Sự độc lập về năng lượng của Mỹ chỉ là "chém gió"
Vụ tấn công vào kho dầu ở Saudi Arabia của quân Houthi đã chứng minh, khi liên quan tới dầu khí, Washington vẫn chưa thể làm chủ được vận mệnh của mình.
Mỹ đang sắp trở thành một nhà xuất khẩu dầu - một bước chuyển ấn tượng kể từ khi nước này bị ám ảnh bởi phải phụ thuộc vào dầu của nước ngoài, kể từ khi xảy ra vụ OPEC cấm vận dầu vào năm 1973 nhằm trừng phạt những nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur giữa nước này với Ai Cập, Syria và Jordan.
Để ứng phó với vụ tấn công lớn vào cơ sở hạ tầng khai thác dầu của Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã loan báo rằng nguồn dầu phong phú của Mỹ đã làm giảm đi thiệt hại và thúc đẩy dự trữ chiến lược. Ông lý luận rằng việc xây dựng thêm nhiều đường ống dẫn dầu sẽ giúp bảo vệ người Mỹ khỏi cú sốc về giá dầu.
Thực tế, vụ tấn công vào Abqaiq - cơ sở sản xuất dầu then chốt nhất của Saudi Arabia, là sự nhắc nhở một cách nghiệt ngã rằng Mỹ không độc lập về năng lượng, và không thể tự quyết một cách độc lập về mặt ngoại giao trong khu vực sản xuất dầu quan trọng nhất thế giới. An ninh năng lượng ngày càng trở nên gắn chặt hơn với toàn bộ thế giới.
Năm 2006, Mỹ nhập khẩu 60% lượng dầu của mình. Với sự bùng nổ về đá phiến sét, Mỹ sẽ trở thành một nhà xuất khẩu dầu ròng thường niên vào năm sau. Các quan chức của chính quyền Trump thường xuyên thổi phồng rằng việc không phụ thuộc vào nhập khẩu dầu có nghĩa là những gì xảy đất trong các nước sản xuất dầu tại vùng Vịnh sẽ không còn là vấn đề với Mỹ, dù bị ngừng cung ứng như vụ tấn công vừa rồi hay do sự cắt giảm sản lượng của OPEC.
Mỹ đã cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công tuần vừa rồi mặc dù quân Houthi tại Yemen đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ việc. Vụ tấn công vào cơ sở sản xuất Abqaiq đã khiến Saudi Arabia phải ngừng sản xuất khoảng 6 triệu thùng dầu mỗi ngày - Số lượng cung ứng bị gián đoạn lớn nhất từ trước tới nay. Tất nhiên, giá dầu sẽ tăng vọt.
Dầu được định giá trên thị trường toàn cầu. Vì thế, dầu tại Mỹ cũng phải chạy theo giá thế giới dù chúng ta có nhập khẩu dầu của Mỹ hay không. Giá dầu của Mỹ phản ánh giá dầu thế giới, mặc dù có thể giá thay đổi chậm hơn. Giá bán buôn dầu sẽ lên cao khi thị trường mở cửa sau vụ tấn công. Những người lái xe sẽ sớm thấy hệ quả khi họ đổ xăng xe mình.
Thực tế là, Mỹ có thể không nhập khẩu ròng dầu mỏ, nhưng vẫn nhập khẩu một lượng lớn dầu ngay cả khi nước này xuất khẩu những sản phẩm dầu khí. Lượng dầu Mỹ nhập khẩu từ Saudi Arabia đã giảm đi trong thập kỷ qua nhưng chỉ với con số khiêm tốn. Tính tới cuối 2018, Mỹ vẫn nhập gần 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Trong nhiều năm qua, Nghị viện Mỹ cảm thấy phù hợp để bán đi gần một nửa lượng dầu dự trữ chiến lược của Mỹ để chi tiền cho những ưu tiên khác. Nhưng họ làm điều này dựa trên nhận thức sai lầm rằng nước Mỹ đã trở thành một nước độc lập về năng lượng.
Kết quả khi giá dầu tại vòi bơm tăng cao sẽ cho thấy quyết định trên là thiển cận. Việc đứt gãy một kênh cung ứng lớn theo kiểu vụ tấn công vừa rồi chính là lý do để Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) được Bộ Năng lượng Mỹ duy trì để giảm thiểu thiệt hại.
Sự thiệt hại đối với người tiêu dùng Mỹ do giá dầu thế giới tăng cao không phụ thuộc vào lượng dầu mà Mỹ nhập khẩu vào là bao nhiêu, mà là họ đã sử dụng bao nhiêu dầu. Cách tốt nhất để bảo vệ những lái xe khỏi cơn sốc giá dầu không thể tránh khỏi là ưu tiên giảm mức tiêu thụ dầu. Với tư duy như vậy, quyết định của chính quyền tổng thống Trump muốn quay lại những tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cũ cũng đang sai lầm.
Ưu thế về năng lượng của Mỹ cũng không có nghĩa rằng đất nước này có thể rút khỏi sự hợp tác toàn cầu. Việc sử dụng lượng dầu dự trữ chiến lược sẽ hiệu quả hơn nếu được thực thi chung với những nước khác. Mỹ đã tạo ra Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) là một phần của thỏa thuận giữa các nước trong Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA để giữ lượng dự trữ dầu chiến lược có thể được tung ra một cách phối hợp.
Khi ông Trump đưa ra dòng tweet rằng ông đã cho phép sử dụng SPR "nếu cần thiết", ông đã gây hại cho những ảnh hưởng tiềm năng của một lượng dầu được tung ra khi hành động một cách đơn phương.
Quan trọng hơn, sự gia tăng bất ổn ở vịnh Ba Tư phản ánh cách hành động độc đoán của chính quyền Trump nhằm đối chọi với Iran. Dù Iran đã làm theo thỏa thuận hạt nhân đã đề ra với Mỹ, Trung Quốc, Nga và các nước Châu Âu, chính quyền Trump đã rút khỏi thỏa thuận này.
Mỹ áp lại các lệnh trừng phạt Iran với ý đồ muốn đàm phán và có được một thỏa thuận tốt hơn, kéo dài thỏa thuận này thành vô thời hạn và nhắm vào những hành vi mà Mỹ cho là gây rắc rối bên cạnh chương trình hạt nhân của Iran. Để tạo "áp lực tối đa", tổng thống Trump đã từ chối gia hạn những quyền từ khước cho phép Iran xuất khẩu dầu.
Tuy nhiên, chính quyền Trump đã thất bại trong việc hợp tác với các đối tác Châu Âu và những nước khác một cách có tính xây dựng nhằm tạo ra con đường đàm phán với Iran. Với hy vọng rất nhỏ có thể dàn xếp được qua đàm phán và phải đối mặt với áp lực tối đa về kinh tế trong nội địa, không nghi ngờ Iran cảm thấy đã không còn sự lựa chọn mà phải leo thang về mặt quân sự.
Iran đã chứng tỏ mình rất nhạy cảm với giá dầu và những hiệu ứng nội địa. Đưa chuyển động giá dầu lên cao có thể được các nhà lãnh đạo Iran coi là cách tốt nhất để ứng phó với chiến dịch gây sức ép của Mỹ. Việc các tàu chở dầu tại vịnh Ba Tư bị tấn công hồi đầu hè có thể cho thấy phe tấn công hiểu rất rõ bản chất của thị trường dầu toàn cầu.
Mỹ đã một lần nữa trở thành siêu cường về năng lượng trên thế giới. Nhưng đất nước này không độc lập về năng lượng. Vụ tấn công cơ sở sản xuất dầu tại Saudi Arabia là kết quả từ sự thất bại của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương.
Việc giá dầu lên cao với người tiêu dùng cho thấy Mỹ vẫn phải giữ mối liên kết chặt chẽ với những thị trường năng lượng toàn cầu, dù họ mới "thống trị về mặt năng lượng". Mỹ sẽ mạnh hơn và nguồn năng lượng sẽ đảm bảo hơn nếu họ liên kết với thế giới.